Con người, mắt xích quan trọng cần tái cơ cấu

17:22, 27/05/2012

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn tái cấu trúc nền kinh tế trước tiên hãy tái cơ cấu đội ngũ quản lý, điều hành nền kinh tế.  

Chỉ mới một tuần làm việc đầu tiên, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã nóng lên với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng có lẽ nóng nhất vẫn là xoay quanh câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế.  Nóng bởi nó liên quan đến nhiều bộ ngành, chạm đến nhiều lĩnh vực, lợi ích của nhiều bộ phận, liên quan đến con người.

 

Tái cơ cấu nền kinh tế - cụm từ xuất hiện với tần suất rất lớn khi nói đến các giải pháp khắc phục sự trì trệ, thậm chí là chệch hướng để vượt qua giai đoạn khó khăn của kinh tế hiện nay. Vận hành một nền kinh tế là vận hành một hệ thống phức tạp. Tất nhiên không thể tránh khỏi có những trục trặc, bởi mục tiêu, thành phần, cơ chế hoạt động và mối quan hệ giữa các thành phần của nó với nhau và với môi trường bên ngoài.

 

Nếu chỉ là trục trặc trong vận hành bình thường thì có thể dựa theo cơ chế phản hồi để phát hiện và điều chỉnh. Nhưng nếu trục trặc lớn, diễn ra trong thời  gian dài, thì là do sai mục tiêu, hoặc cấu trúc hệ thống có khuyết tật cơ bản, hoặc cả mục tiêu lẫn cấu trúc đều có chuyện. Nếu chỉ xử lý theo kiểu sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt truc trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm rối ren, phức tạp mới, gia tăng bất ổn, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát.

 

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình bày, nhiều đại biểu khuyến nghị là: “Trước tiên hãy tái cơ cấu đội ngũ quản lý, điều hành nền kinh tế”. Với trách nhiệm đại diện cho dân, các đại biểu quốc hội đã nhìn ra nguyên nhân thực sự tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay là bắt nguồn từ khuyết tật của bộ máy, ở những con người cụ thể được nhân dân tin tưởng, trao cho quyền cai quản đất nước. Một khi mắt xích quan trọng này không hoàn thiện, mọi nỗ lực “ tái cơ cấu” cũng chỉ bằng không.  

 

Không phải phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 4 BCH trung ương khóa 11 đã mạnh dạn chỉ ra “sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến .phai nhạt lý tưởng, cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc”.

 

Chính vì thế mà tại Hội nghị trung ương 5 vừa rồi, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu: Sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống, đặc biệt là chữa trị những khuyết tật của đội ngũ cán bộ quản lý được hình thành bởi nền kinh tế phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ, lấy doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo, xây dựng các tập đoàn chủ chốt dựa trên độc quyền và sự ưu ái của Nhà nước, chứ không dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, trong khi đó lại lơ là xây dựng nền tảng văn hoá, giáo dục, khoa học khiến các lĩnh vực này sa sút nghiêm trọng.  Điều tai hại là đường lối phát triển kinh tế thiển cận đó lại được thực thi trên một thể chế lỏng lẻo, bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, khiến tệ tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ trở thành căn bệnh trầm trọng của đất nước. Nếu không quyết tâm loại trừ tận gốc thì căn bệnh này sẽ ăn sâu vào xương tuỷ của xã hội, thì kế hoạch tái cơ cấu  nền kinh tế có thành công.

 

Câu chuyện của Vinashin, Vinalines với con số thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của đất nước đã chứng minh rằng, một khi người cầm lái con thuyền không được giám sát bằng một cơ chế đủ mạnh, thì tất yếu không va vào đá, cũng chìm đắm vì bão tố.     

 

 

Những tích cực của sự nghiệp đổi mới dường như đã đạt giới hạn, lỗi hệ thống đã bắt đầu lộ diện, buộc chúng ta phải lựa chọn: Hoặc là tiếp tục làm ngơ với các lỗi ấy, chấp nhận đối mặt với nguy cơ trì trệ, để rồi bị thế hệ sau phán xét. Hoặc là chịu đau để cắt bỏ những mầm bệnh mà thật ra là đã ủ sẵn từ trước. Hãy dũng cảm thay đổi tư duy một lần nữa để mở ra thời khai sáng mới, để làm sao khỏi phải hổ thẹn với sự hy sinh to lớn của cả dân tộc và sự tin yêu, gửi gắm của dân./.