Anh Phạm Hồng Minh, chuyên viên Cơ quan thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tỉnh cho biết: “Từ năm 1998, trên địa bàn tỉnh có 41 DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN). Qua hai lần chuyển đổi (từ 1998-2005 và từ 2006 đến nay), hiện tại còn 7 DN nhà nước sở hữu vốn 100%; 4 công ty cổ phần (CTCP) nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; 2 CTCP nhà nước nắm ở mức thấp.
Theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, từ năm 2006, UBND tỉnh đã bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 12 CTCP có vốn đầu tư nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh; còn 12 DN thuộc diện bàn giao do các DN này còn một vài vướng mắc chưa giải quyết (ví dụ như CTCP Xuất nhập khẩu TN) còn vướng về sắp xếp Công ty Khoáng sản và tỷ lệ góp vốn với Liên doanh núi pháo VICA; CTCP In TN còn vướng mắc về vụ in lậu ấn phẩm..).
Nhìn chung, đa số các DNNN thuộc nhóm CT TNHH, sau chuyển đổi đều tăng được vốn điều lệ; huy động thêm vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (doanh thu hàng năm tăng bình quân 10%); tăng thu nhập cho người lao động. Điều này đã được minh chứng khi chúng tôi tiếp cận với CTCP Nước sạch Thái Nguyên. Đây là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi từ mô hình CTTNHH MTVđi vào hoạt động từ 1-1-2010. Sau chuyển đổi, ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nước sạch, tham gia xây dựng các công trình, tư vấn cấp thoát nước, sản xuất nước sạch, Công ty (CT) được Nhà nước giao thêm thực hiện rất nhiều dự án phát triển cấp nước cấp huyện để quản lý, vận hành.
Trong đó có 2 nhà máy nước công suất thấp, liên tục bị thua lỗ. Công ty luôn đứng trước khó khăn về tài chính do vừa phải đối ứng cho các dự án đầu tư chuyển tiếp; vừa phải cân đối cho các dự án mới; vừa trả nợ cho các dự án đã hoàn thành (mỗi năm 8 tỷ đồng). Sau 2 lần chuyển đổi, từ năm 2010, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (CT TNHH MTV), Công ty đã vượt qua được khó khăn, duy trì mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%; đảm bảo việc làm ổn định cho 552 lao động, với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách gần 9 tỷ đồng/năm; đảm bảo cổ tức cho cổ đông và lợi nhuận theo kế hoạch. Hiện nay, vốn điều lệ của công ty đạt 76.368 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 83,3%. Để có vốn đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, Công ty đã đóng góp vốn tại khu vực thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công là 124,367 tỷ đồng; tại các huyện là 29,861 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì hạn chế chung của đa số các DN (chủ yếu thuộc nhóm CTCP) là: Vốn nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ. Nhiều người lao động trong DN chưa đủ khả năng mua cổ phần với số lượng lớn ngoài cổ phần ưu đãi. Việc thu hút cổ đông ngoài DN còn hạn chế. Quy mô của DN còn nhỏ. Vốn điều lệ bình quân của 1 DN chỉ tăng 1,45 lần so với trước thực hiện CPH. Vì vậy, các DN không có khả năng đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Mặt khác việc huy động vốn bổ sung hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm mục đích phát triển sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ là khó.
Theo ý kiến chung của nhiều cổ đông thì: việc phát hành cổ phần của các CTCP khó vì hầu hết các DN đều có tốc độ tăng trưởng chưa cao (trên, dưới 10%). Vì thế, quy mô của các DN sau chuyển đổi về cơ bản không có gì mới so với trước. Hầu hết các DN Nhà nước không nắm giữ cổ phần hoặc nắm giữ cổ phần ở mức thấp đều hoạt động khó khăn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các DN sau CPH nhìn chung, chưa có tính bền vững do còn lúng túng về định hướng phát triển lâu dài. Một số DN còn để thua lỗ như: Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư và Xây dựng Bắc Thái sau 3 năm cổ phần hóa lỗ 11 tỷ đồng; CT Tư vấn xây dựng giao thông năm 2005 thua lỗ 3,2 tỷ đồng; CTCP sản xuất dịch vụ tổng hợp Thái Nguyên tại thời điểm chuyển đổi năm 2003 để lại khoản dư nợ tín dụng khá lớn…
Đặc biệt, các DN thuộc nhóm CT TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp rất khó khăn. Tại thời điểm sắp xếp lại (năm 2005) cơ bản các đơn vị này không còn vốn sản xuất kinh doanh. Trong phương án chuyển đổi đã xác định vốn điều lệ nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận. Chủ sở hữu (cấp tỉnh) chưa đáp ứng vốn kinh doanh theo phương án đã phê duyệt. Đất đai là tư liệu sản xuất chính nhưng do thực hiện các dự án trồng rừng và cơ chế khoán quản nên diện tích đất sản xuất do các công ty quản lý bị thu hẹp hoặc bị tranh chấp.
*Hiện tại trên địa bàn tỉnh có: - 7 DN nhà nước sở hữu 100% vốn (gồm các CT TNHH một thành viên: Khai thác thủy lợi; kinh doanh Xổ số kiến thiết; Lâm nghiệp Võ Nhai, Lâm nghiệp Đại Từ; Chè Phú Lương; Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị; Môi trường đô thị Sông Công). - 4 công ty cổ phần nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (CTCP nước sạch Thái Nguyên; CTCP Vật tư nông nghiệp; CTCP Quản lý và xây dựng giao thông; CTCP Xuất nhập khẩu) - 2 công ty cổ phần nhà nước nắm ở mức thấp (CTCP Môi trường và công trình đô thị; CTCP In Thái Nguyên). |
UBND tỉnh đã có chỉ đạo việc kiểm kê, đo đạc xác định chỉ giới để cấp quyền sử dụng đất cho các đơn vị, nhưng đến nay do tính chất phức tạp của công tác này, các đơn vị chưa được giao cụ thể về chỉ giới đất và cấp quyền sử dụng đất. Vì vậy, các đơn vị không thực hiện được kế hoạch SXKD và sống trong cảnh “sống dở, chất dở”. Khi tìm hiểu ở Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Võ Nhai, chúng tôi được biết: Nông trường Võ Nhai được chuyển đổi thành công ty nhà nước với tên gọi là Lâm trường Võ Nhai vào năm 2005; năm 2010 chuyển đổi tiếp thành CT TNHHNN MTV Lâm trường Võ Nhai. Theo phương án SXKD được duyệt năm 2005, CT được cấp vốn điều lệ 2 tỷ đồng, thực tế mới được cấp 500 triệu đồng, Công ty đã đầu tư mua ô tô phục vụ sản xuất. Năm 2010 được phê duyệt 9 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đồng nào.
Đến thời điểm này, vốn điều lệ bằng không. CT đang rơi vào tình trạng “hữu danh, vô thực” vì vốn không có để hoạt động; đất đai cũng chưa được cấp quyền sử dụng đất do huyện đã giao đất cho dân quản lý nên thu hồi lại rất khó; các dự án về lâm nghiệp hầu hết lại không được thực hiện mà chuyển giao cho các cơ quan khác của huyện; việc gieo tạo cây con cũng không được phân bổ. Cũng chính vì lý do đó không ai còn muốn gắn bó với đơn vị. Có lúc, Công ty đến trên 200 người, nay chỉ còn 9 người ở lại. Hoạt động của các Công ty Lâm nghiệp Đại Từ; Chè Phú Lương cũng không có gì “sáng sủa”: Thu nhập bình quân người lao động năm 2011 chỉ đạt từ 1,2 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/người/tháng…
Vài nét chấm phá về bức tranh chung của các DNNN sau CPH cho thấy: Mỗi DN đều có khó khăn, vướng mắc riêng, song đa số là vướng mắc do cơ chế, chính sách cần phải giải quyết ở tầm vĩ mô (Bộ Tài chính, Chính phủ) như vấn đề vốn cho các DN hoạt động công ích; việc chấp thuận mức vốn điều lệ của các CT TNHHMTV nông, lâm nghiệp. Song, trước mắt, tỉnh cũng nên quan tâm chỉ đạo việc giải quyết vướng mắc về đất đai và cấp đủ vốn theo phương án SXKD đã được phê duyệt đối với các CTTNHHMTV lâm nghiệp để giúp các công ty này hoạt động ổn định và phát triển.
Ông Trần Quang Hân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Nước sạch Thái Nguyên đề nghị: Để giải quyết khó khăn về vốn, rất mong tỉnh cho phép CT được sử dụng các khoản phải trả cho nhà nước (tiền bán cổ phần lần đầu, số dư cổ tức trên vốn nhà nước tại khu vực cổ phần sau khi bù lỗ cho các huyện) để làm vốn đối ứng cho các dự án đang phát triển. Đồng thời bảo lãnh vốn tín dụng ưu đãi để đối ứng thực hiện các dự án phát triển cấp nước đô thị nhằm góp phần tăng số lượng dân được dùng nước sạch.
Ông Phan Văn Lâm, Giám đốc CT TNHHNN MTV Lâm nghiệp Võ Nhai: Rất mong Nhà nước xem xét lại mô hình chuyển đổi của DN, một là chuyển thành doanh nghiệp công ích, hai là cho phép giải thể; hoặc nếu để ở hình thức này, tỉnh nên quan tâm đáp ứng đủ vốn theo phê duyệt hoặc giao thêm nhiệm vụ thì Công ty mới tồn tại được. |