EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%

16:54, 31/05/2012

Nếu vượt quá 5%, Bộ Công Thương và Tài chính sẽ có phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân cơ sở.

Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

 

Theo Dự thảo, Quy định về giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trên cơ sở giá bán điện bình quân. Khi có biến động các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là ba tháng.

 

Về trình tự, thủ tục lập và phê duyệt giá bán điện bình quân, hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán độc lập theo quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và giá bán điện bình quân của năm tài chính.

 

Đơn vị điện lực có trách nhiệm xây dựng phương án giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo trình Bộ Công Thương xem xét.

 

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo.

 

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trên 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Bộ Công Thương phê duyệt phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định Cơ chế và thẩm quyền điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần điều chỉnh theo chi phí hợp lý, hợp lệ của tất cả các khâu. Cụ thể, trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ biến động làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.

 

Khi giá biến động trên 5% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc mà Bộ Công Thương chưa có ý kiến, dự thảo luật cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

 

Theo giải trình của Bộ Công thương, nhà nước cần kiểm soát kiểm tra, giám sát quá trình định giá trong các công đoạn khi mà cơ chế thị trường không thể hoạt động có hiệu quả, đảm bảo giá điện hợp lý trong việc sử dụng tối ưu tài nguyên và hợp lý cho người sử dụng điện. Theo lộ trình, thị trường điện cạnh tranh được xây dựng dần qua các giai đoạn. Trong các năm tới, thị trường phát điện cạnh tranh được đưa vào hoạt động, giá điện của khâu phát điện được xác định thông qua thị trường. Giá các khâu truyền tải và phân phối được xây dựng có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo giá hợp lý cho người sử dụng điện đồng thời đảm bảo doanh nghiệp thu đủ các chi phí cần thiết để phát triển.

 

Khi thực hiện cơ chế thị trường về giá điện, giá điện cần được giao cho doanh nghiệp tự xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua. Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán điện bình quân đảm bảo mức giá hợp lý cho người sử dụng điện và đơn vị điện lực. Việc xây dựng các mức giá cụ thể cho từng thành phần khách hàng là công việc chi tiết cần được giao cho đơn vị điện lực, cơ quan có thẩm quyền quản lý và giám sát việc thực hiện của đơn vị thông qua việc ban hành cơ cấu biểu giá để áp dụng. Giá điện các khâu có tính chất độc quyền tự nhiên trong cung cấp dịch vụ cũng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và đảm bảo tính thị trường khi phân cấp cho các đơn vị điện lực xây dựng phương án để trình./.