Nhiều phương án “cứu hộ”
Khi các doanh nghiệp (DN) đang vật lộn chèo lái “con tàu” vượt qua khó khăn thì cũng là lúc các ngành chức năng kịp thời có mặt ứng cứu với hệ thống “phao cứu sinh” hứa hẹn đem lại hiệu quả khả quan. Đó chính là các “gói” giải pháp về tài chính, tín dụng ngân hàng và chính sách thuế.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đang thực hiện giảm lãi suất nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp
Từ chiếc “phao” tài chính, ngân hàng
Có lẽ chiếc “phao” lớn đầu tiên mà Chính phủ tung ra nhằm giải cứu DN chính là “gói” giải pháp 29 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các DN trong diện ưu tiên. Tiếp đó, sự ra đời Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường chính là “phao cứu sinh” thứ hai. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai ngay việc khống chế lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 15% đối với 4 đối tượng DN được quy định cụ thể để tạo điều kiện giúp DN có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngay sau khi những chiếc “phao cứu sinh” được tung ra, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời nắm bắt và chuyển đến tận tay các DN. Cụ thể, với Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thái Nguyên (một trong những đơn vị tín dụng có số khách hàng và dư nợ cho vay cao nhất trên địa bàn tỉnh), ngay từ thời điểm trước khi Chính phủ đưa ra các “gói” giải pháp thì Chi nhánh đã có những tác động quan trọng để hỗ trợ DN.
Người đứng đầu Chi nhánh, ông Lê Quang Trung cho biết: Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã liên tục hạ lãi suất cho vay so với tháng đầu năm, cụ thể là đã giảm được 4%. Riêng đối với vay vốn kinh doanh bất động sản, đơn vị không khuyến khích nên lãi suất ở mức cao nhất là 21%/năm, còn lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 17%-18%. Đối với những DN vay trong thời gian 3 tháng, chúng tôi vẫn ưu tiên cho vay với lãi suất 15%.
Thời gian qua, Chi nhánh đã cùng với các DN tìm nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình chung như: Giữ vốn đầu tư ở mức độ ổn định; với DN có hướng sản xuất mới thì Chi nhánh cam kết đảm bảo nguồn vốn để mở rộng quy mô (như trường hợp của Công ty CP TĐT - Phú Bình, chuyên sản xuất hàng may mặc); với DN có khả năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn thì xem xét định lại kỳ hạn nợ, gia hạn nợ (như trường hợp của Nhà máy Cán thép Thái Trung công suất 500 nghìn tấn thép cán/năm)…
Cũng từ đầu năm đến nay, nhận định được tình hình khó khăn của các DN, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Thái Nguyên đã 3 lần thực hiện hạ lãi suất cho vay (mỗi lần hạ 1%). Lãi suất phổ biến của Ngân hàng thời gian trước là khoảng 17%, cao nhất chưa quá 19,5%. Sau khi có quy định về hạ lãi suất xuống còn 15% đối với 4 đối tượng cụ thể, Ngân hàng đã triển khai ngay, hiện đang cấp vốn vay cho các DN nhỏ và vừa, DN có nhiều lao động.
Quan điểm của Ngân hàng là luôn chia sẻ cùng DN. Khi các DN gặp khó khăn, Ngân hàng sẽ có chính sách giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ. Đã có DN được Ngân hàng ưu tiên xử lý thu gốc trước, lãi thu sau để giúp DN dần phát triển...
Đến “gói” cứu trợ hoãn, giãn và miễn thuế
Theo nhận định của Bộ Tài chính thì những giải pháp về thuế sẽ góp phần hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn. Cụ thể, Chính phủ sẽ tác động khoảng 16 nghìn tỷ đồng để giãn thuế cho các DN; miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế khoán đối với hộ và thuế môn bài, giảm tiền thuê đất khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-6-2012 đến 1-1-2013), góp phần giảm nghĩa vụ đóng phí cho DN khoảng trên 3 nghìn tỷ đồng.
Về phía ngành Thuế Thái Nguyên, ngay sau khi tiếp nhận Nghị quyết số 13 của Chính phủ, toàn ngành đã nghiêm túc quán triệt và tích cực triển khai đến các DN thuộc đối tượng ưu tiên. Theo đó, nhiều DN sẽ được hưởng các chính sách thuế như: Đối với một số DN đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sẽ được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2012; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách Nhà nước; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính; giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa, miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên… (thực hiện sau khi Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định).
Tại mục 8, khoản b, c trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Các ngân hàng tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; DN sản xuất hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa và DN công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất cho vay mới, trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính... |
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Toàn ngành đang đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ các đối tượng nộp thuế. Dự kiến trong tháng 6 tới sẽ tổ chức đối thoại với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, để tìm cách cùng tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tập trung giải quyết các thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế...
“Một miếng khi đói…”
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế thì các “gói” giải pháp của Chính phủ chỉ mang tính “hà hơi tiếp sức” chứ chưa đủ mạnh để vực dậy những DN đang “hấp hối”. Đối với “gói” giải pháp 29 nghìn tỷ đồng được xem là chỉ có thể có tác dụng đối với các DN đang ổn định và phát triển. Còn miễn, giảm thuế được xem là chính sách tài khoá chỉ mang tính tác nhân, hỗ trợ DN trong một thời gian ngắn. Mặc dù vậy, theo nhìn nhận của phía DN thì các “gói” cứu trợ của Chính phủ là những động thái tốt, có tác dụng khích lệ, động viên kịp thời đối với các DN, giống như “một miếng khi đói” sẽ giúp cho con người ta tỉnh táo hơn và có thể vượt qua được tình cảnh khó khăn…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài một số DN có khả năng hấp thụ được các “gói” cứu trợ thì cũng còn không ít trường hợp phải đứng ngoài vì không “tiêu hoá” nổi. Theo nhận định của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh thì không ít DN mặc dù hạn mức được vay vốn lên tới 30-40 tỷ đồng nhưng do lượng hàng tồn kho nhiều, không có đơn hàng mới nên khó có thể có dư nợ trong ngân hàng. Mặt khác, nhiều DN phải “gõ cửa” các ngân hàng thương mại cổ phần để vay vốn với lãi suất cao phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn tín dụng, rất ít ngân hàng thương mại dám cho DN (nhất là những DN vừa và nhỏ) vay vốn, vì thực tế cho thấy các chỉ tiêu tài chính quan trọng của không ít DN (như vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối, khả năng thanh toán nhanh…) đều ở mức dưới chuẩn.
Số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đến thời điểm này cho thấy: Lượng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đang tăng trên 10% so với đầu năm, trong khi dư nợ cho vay đang âm trên 2%. Qua đây có thể thấy các ngân hàng không thiếu tiền, vấn đề quan trọng là nhiều DN chưa hấp thụ được nguồn vốn vay…
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thái Nguyên: Trách nhiệm của Ngân hàng là giải cứu các DN, coi việc tháo gỡ khó khăn cho DN chính là tháo gỡ khó khăn cho mình. Đối với những DN đã phá sản thì nhanh chóng giải quyết hậu quả, thu hồi vốn; còn với các DN gặp khó khăn nhưng có thể vực dậy được thì Ngân hàng sẽ chung sức đến cùng…
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Thái Nguyên: Ngân hàng cũng là DN, mà DN muốn phát triển được thì phải phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng. Do đó, Ngân hàng sẽ luôn đồng hành với khách hàng, tìm mọi phương án để cùng tồn tại…
Ông Nguyễn Văn Tiến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Ngành Thuế sẽ làm hết khả năng của mình trên cơ sở những quy định của pháp luật để cùng các DN tháo gỡ khó khăn hiện nay. Tuy vậy, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước của Ngành vẫn phải bảo đảm theo kế hoạch đề ra…
|