Nỗ lực giải cứu doanh nghiệp. Bài 3

10:11, 31/05/2012

Thêm vững tay chèo lái

Trong thời điểm khó khăn chung hiện nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh đều đang chung sức hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thêm vững tay chèo lái “con tàu” thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Điều đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương đối với DN. Tất nhiên, sự trợ giúp từ bên ngoài rất cần thiết nhưng cũng chỉ là tác động thứ yếu để giúp các DN thêm vững tay chèo lái “con tàu”, còn chủ đạo vẫn phải là những nỗ lực tự thân để vượt khó của chính DN.…

 

Đồng hành cùng DN vượt khó…

 

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, thời gian qua, tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức với vai trò, trách nhiệm của mình đã chung sức cùng tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn.

 

Mới đây (ngày 12-5), T.P Thái Nguyên đã mở màn cho chương trình đồng hành cùng DN của tỉnh bằng việc mời cơ quan thuế cùng đại diện 17 ngân hàng và gần 150 DN trên địa bàn thành phố tham gia trao đổi, chia sẻ để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

 

Tại đây, các ngân hàng cam kết sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho nhu cầu của 4 nhóm đối tượng được ưu tiên lãi suất vốn vay theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ngành Thuế cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để cùng DN vượt qua thời điểm khó khăn của thị trường. Chủ trì cuộc gặp gỡ trên, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên khẳng định: Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các DN, nhất là ở giai đoạn khó khăn như hiện nay. Những đề xuất, kiến nghị chính đáng của DN sẽ được thành phố quan tâm thực hiện hoặc đề nghị tỉnh giải quyết. Ông Tuấn cũng cho rằng các DN cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy nội lực để trụ vững trên thương trường…

 

Tổ chức Hội DN của T.P Thái Nguyên với vai trò liên kết, bảo vệ quyền lợi của các hội viên, thời gian qua đã là cầu nối tích cực giúp cho trên 300 DN thành viên cùng hợp tác phát triển. Thông qua tổ chức Hội, nhiều DN có vướng mắc trong hoạt động đã được can thiệp giải quyết kịp thời. Ví dụ, DN Quang Đạt, Công ty CP Thiên Thanh do gặp khó khăn nên chưa có khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng theo đúng lộ trình. Nhận thấy điều đó, tổ chức Hội đã đứng ra tư vấn, làm cầu nối giữa DN với ngân hàng, kết quả đã giúp DN dần ổn định tài chính, vực dậy sản xuất.

 

Thời gian qua, Hội DN thành phố cũng rất chú trọng giải pháp giao dịch nội bộ giữa các DN thành viên để cùng giúp nhau phát triển. Như năm 2011, giao dịch nội bộ giữa các hội viên trong Hội đạt trên 300 tỷ đồng (năm 2010 là 100 tỷ đồng). Ví dụ, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG khi có nhu cầu sắm sửa các trang thiết bị, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết cho trên 8.000 lao động đã nhờ Hội DN thành phố chắp mối với các DN thành viên để cung cấp đủ số lượng hàng hoá cho bên mua.

 

Với ngành Công Thương, nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng được triển khai. Cụ thể, ngành đã tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường rà soát, điều chỉnh phương án sản xuất sao cho phù hợp với thị trường; tổ chức lại sản xuất, quản lý tốt để giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn (vì hiện nay, hiện tượng DN sử dụng đồng vốn vào các hoạt động ngoài sản xuất khá nhiều). DN cũng cần cơ cấu lại vốn đầu tư của mình (vì không ít trường hợp sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn). Các DN càng khó khăn thì càng phải liên kết, liên doanh để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm…

 

…Và những nỗ lực tự thân của chính DN

 

Tất nhiên, sự hỗ trợ từ bên ngoài rất cần thiết nhưng cũng chỉ là tác động thứ yếu để giúp các DN thêm vững tay chèo lái “con tàu”, còn chủ đạo vẫn phải là những nỗ lực tự thân để vượt khó của chính DN. Xác định rõ quan điểm đó, các DN của chúng ta đã tự tìm cho mình những phương án tối ưu để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Hiện tại toàn tỉnh đang triển khai thực hiện các giải pháp giúp khơi thông thị trường nhằm tiêu thụ hàng tồn kho cho các DN thông qua chương trình khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội... Tỉnh cũng chủ trương tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức giúp DN tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm nhằm tìm ra phương án ổn định và phát triển cho DN...

Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái là một trong những DN đã “ngoạn mục” vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường: Cuối năm 2011, khi thấy thị trường biến động xấu, DN này đã ngay lập tức xả toàn bộ nguồn hàng ra bên ngoài (khoảng 10 tỷ đồng), chấp nhận chịu lỗ khoảng 10% tổng giá trị. Tuy nhiên, chính quyết định sáng suốt đó đã cứu DN thoát khỏi khó khăn vì nếu để tồn hàng đến thời điểm này thì DN sẽ phải chịu lỗ rất lớn. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty tâm sự: Nguồn hàng để tồn lại sẽ bị lỗi mốt, không bán được. Việc nhanh chóng xả hàng giúp DN trả lãi được toàn bộ nợ ngân hàng, tránh được thời điểm lãi suất cao, đồng thời giảm khoảng 50% thiệt hại…

 

Đối với Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi (chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và luyện kim), thời gian qua các mặt hàng gang hợp kim, xỉ ti tan… của đơn vị gặp khó khăn về đầu ra, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, DN đã chủ động làm việc và ký hợp đồng tiêu thụ hàng hóa với DN Trung Thành - một đơn vị có uy tín về dịch vụ công nghiệp. Nhờ đó Công ty giải quyết được rất nhiều hàng tồn kho, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Với Công ty CP Thái Hà, trong quá trình sản xuất, thi công đã để tồn kho một lượng không nhỏ cống xây dựng, khiến nguồn vốn bị ứ đọng. DN này đã nỗ lực tìm kiếm bạn hàng và thông qua Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên tiêu thụ được toàn bộ số sản phẩm trên. Còn với DN Anh Thắng, mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn, lại cùng một lúc vừa triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn (có lượng vốn khổng lồ) vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhưng DN này vẫn bảo đảm không cắt giảm nhân công, trả đủ lương cho trên 500 lao động. Hiện tại, DN đang dành nguồn vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để triển khai 6 dự án quan trọng…

 

Qua đây có thể khẳng định sự chuyển động sau các “gói” giải pháp của Chính phủ cũng như những biện pháp trợ giúp đắc lực của địa phương đã bước đầu mang lại hiệu quả đối với các DN. Điều đáng quan tâm là sự trợ giúp đó tuy chưa nhiều  nhưng lại chính là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với cộng đồng các DN trong quá trình vượt qua khó khăn, thử thách hiện nay.

 

Bởi với các “con tàu” DN khi đang rơi vào vùng “tâm bão” thì việc có một chiếc “phao cứu sinh” thôi cũng là rất đáng quý…

 

 

Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương: Với vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi luôn đồng hành cùng các DN. Ngoài đề xuất, kiến nghị với tỉnh, Trung ương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở còn chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tổ chức tốt công tác quản trị DN, chủ động ứng phó với những tình huống xấu xảy ra…

 


 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thái Nguyên: Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống các chi nhánh ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn phải chấp hành nghiêm chỉ đạo về hạ lãi suất cho vay của Chính phủ, bảo đảm đúng lộ trình đề ra, góp phần giúp các DN tiếp cận được với nguồn vốn vay…

 


 

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên: Hội luôn có trách nhiệm bảo vệ các DN thành viên, đồng thời là cầu nối tạo cơ hội để các DN liên doanh, liên kết mở rộng làm ăn, vượt qua gian khó…