Những ngày này, trên khắp cánh đồng của huyện Phổ Yên, bà con nông dân đang nhộn nhịp thu hoạch lúa Xuân. Tiếng máy tuốt lúa giòn giã, nét mặt ai cũng vui tươi, rạng rỡ trong nắng vàng.
Có mặt tại cánh đồng xóm Diện, xã Hồng Tiến, chúng tôi cảm nhận được hương lúa mới thơm nồng xen lẫn mùi ngai ngái của rơm tươi trải khắp lối đi. Khung cảnh người gặt lúa, tuốt lúa, người gánh thóc thật đông vui.
Đang nhanh tay bó những bông lúa vàng óng, nặng trĩu hạt, chị Hoàng Thị Thuý, ở khối Bông Hồng, thị trấn Bãi Bông vui vẻ cho biết: Nhà tôi có 5 sào ruộng. Vụ Xuân vừa qua, do tích cực thăm đồng, làm cỏ, bón phân và dẫn nước vào ruộng đúng thời điểm nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, không bị nhiễm các loại sâu bệnh như mọi năm. Ước tính năng suất lúa đạt 2,2 tạ/sào. Chúng tôi phấn khởi lắm. Vừa gặt xong là tôi tranh thủ cày ải ngay để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa.
Còn anh Nguyễn Văn Hoan, người xóm Diện, xã Hồng Tiến thì chia sẻ: Vài năm trước đây, mỗi khi vào mùa gặt, bà con chúng tôi thường đổi công với nhau có khi gần tháng trời mới gặt xong. Năm 2008, gia đình tôi đã đầu tư mua máy phay đất và máy tuốt lúa liên hoàn hết hơn 50 triệu đồng. Các khâu làm đất, thu hoạch đều được làm bằng máy nên nhàn hơn nhiều. Ngoài làm công việc của gia đình, tôi còn làm thuê cho bà con trong xã để có thêm thu nhập.
Không chỉ ở Hồng Tiến, thị trấn Bãi Bông mà các xã khác trong huyện như: Tiên Phong, Tân Hương, Trung Thành… bà con nông dân cũng đang bắt đầu thu hoạch lúa xuân. Được biết, vụ xuân năm nay, huyện Phổ Yên gieo cấy được trên 4.290ha lúa, trong đó lúa lai là 795ha.
Ông Ngô Thành Đê, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Bước vào sản xuất vụ xuân, nông dân trong huyện cũng gặp phải một số khó khăn như: Thời tiết đầu vụ rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa. Giá vả vật tư nông nghiệp tăng nên việc đầu tư thâm canh của nông dân bị hạn chế. Vào thời điểm cây lúa làm đòng chuẩn bị trỗ, trên địa bàn các xã: Vạn Phái, Minh Đức, Phúc Tân, Đắc Sơn… đã có khoảng 60h lúa và hoa màu bị hạn.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo sản xuất huyện đã đôn đốc các địa phương tích cực áp thực hiện các biện pháp như: Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các kênh mương, hồ đập; vận hành tối đa các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chống hạn. Đồng thời, huyện đã cấp 863 triệu đồng từ nguồn cấp bù thuỷ lợi phí cho các xã, thị trấn để hỗ trợ 100% tiền cho các trạm bơm điện, bơm dầu phục vụ công tác chống hạn. Nhờ đó, diện tích lúa trên đều được ứng cứu kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, công tác dự báo tình hình sâu bệnh để người dân phòng, trừ kịp thời cũng được quan tâm.
Để đạt kết quả cao nhất trong sản xuất, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện đã có văn bản hướng dẫn người dân về cơ cấu giống, khung thời vụ. Cụ thể, đối với trà xuân sớm chiếm khoảng 2% diện tích, khuyến cáo bà con gieo cấy bằng các giống: XI23, nếp. Còn lại 98% là trà lúa xuân muộn, chủ yếu là các giống như: Syn6, VL20, TH33, Nhị ưu 838, Bio 404…
Để vận động bà con nhân dân đưa các giống lúa lai vào sản xuất, theo chính sách của tỉnh, huyện đã hỗ trợ giống lúa lai là 15 nghìn đồng/sào và hỗ trợ công chỉ đạo diện tích lúa thuần, lúa cao sản nếu đạt 57tạ/ha/vụ và lúa lai đạt 62tạ/ha/vụ trở lên là 50 nghìn đồng/ha/vụ. Huyện cũng trích từ ngân sách hỗ trợ 20 nghìn đồng/kg đối với các giống lúa lai như: Syn6, Nhị ưu 838, Bio 404, TH33…
Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã cung ứng trên 280 tấn phân bón cho nông dân theo phương thức trả chậm. Các cơ quan chức năng của huyện cũng đã phối hợp với các xã tổ chức được 79 lớp tập huấn cho hơn 2.300 lượt người tham gia về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây trồng và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ngoài ra, Phòng Nông nghiêp - Phát triển nông thôn huyện cùng Trạm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều mô hình ô mẫu trong sản xuất như: Trình diễn lúa lai mới tại xã Hồng Tiến với quy mô 5ha với các giống: Đại dương 1, Đại dương 8, PAC-807, Syn 6; trình diễn các giống: Thục hưng 6, Đại dương 8 tại các xã: Tiên Phong, Nam Tiến... để nông dân có điều kiện lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năng suất lúa xuân của huyện năm nay ước đạt 54tạ/ha, sản lượng thóc đạt trên 23.170 tấn, đạt 107% kế hoạch.
Để chủ động thu hoạch lúa xuân, kịp thời đối phó với mưa, bão, ngập úng có thể xảy ra và giải phóng đất cho cây trồng vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất, hiện nay, Ban Chỉ đạo sản xuất huyện Phổ Yên đang bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân lúa chín tới đâu gặt ngay tới đó với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.