Phú Lương: Lúa khát khi đang làm đòng

09:17, 03/05/2012

Vụ Xuân năm nay, huyện Phú Lương gieo cấy được trên 3.000ha lúa, khoảng 900ha rau màu các loại. Trên 90% diện tích lúa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, diện tích ngô đều đang trỗ cờ. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất cây trồng cao hay thấp. Thế nhưng, tại thời điểm này, diện tích lúa và hoa màu của huyện đều đang phải chống trọi với tình trạng khô hạn.

Theo kết quả kiểm tra của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì đến thời điểm này, khoảng 60% diện tích lúa và khoảng 50% diện tích ngô đang bị hạn, chưa kể các diện tích rau màu khác như: Lạc, đậu, rau… trong đó hạn nặng ở các xã: Động Đạt, Phủ Lý, Hợp Thành… Những vụ trước, Ôn Lương là xã khá dồi dào về nguồn nước phục vụ sản xuất bởi xã có con sông Đu chảy qua, cộng thêm 3 hồ lớn là: Na Mạt, Tuông Lậc và Đầm Mèng, thế nhưng thời điểm này bà con cũng đang phải ngăn từng khúc sông để bơm tát cứu những diện tích lúa đang “khô khát”, trên 100ha lúa của xã đang đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng đang nứt nẻ thuộc xóm Khau Lai, Ông Phạm Văn Chung, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương chỉ tay về phía những chỏm lúa đã ngả sang mầu vàng và cho biết: Do thiếu nước lâu, chân ruộng nứt nẻ khiến dễ cây bị đứt làm ảnh hưởng đến sự sống của cây, những diện tích như thế này giờ đây khó có thể cứu vãn được. Xóm Khau Lai có 15ha lúa thì có đến 7ha đang trong tình trạng khô hạn như thế này, bà con không thể bơm tát được do không có nguồn nước, các hồ, đập, sông, suối đều đã cạn kiệt.

 

Những năm trước vào thời điểm này thường hay có mưa rào nên lượng nước tưới rất dồi dào. Thế nhưng năm nay tình trạng hạn hán lại xảy ra ngay trong mùa mưa, đây là điều rất hiếm gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến hạn hán được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xác định là do: Từ cuối năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện không có mưa lớn kéo dài, mực nước ở các hồ, đập, sông, suối đều thấp hơn nhiều so với những năm trước. Thêm vào đó, một số công trình thủy lợi như: Đập, kênh, mương đã hỏng, xuống cấp nên đã làm thất thoát một lượng nước lớn. Toàn huyện hiện có gần 200 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó chỉ có Hồ Đồng Xiền là còn giữ được mực nước như những năm trước, còn lại đều tụt xuống rất thấp, một số hồ, đập thì đang trong quá trình sửa chữa nên không có khả năng cung cấp nước.

 

Đi dọc con sông Đu đoạn từ xã Động Đạt, qua xã Phủ Lý, Ôn Lương… chúng tôi thấy mực nước sông đã xuống thấp chưa từng có, dòng sông chỉ còn là những vũng nước nối nhau, nhiều đoạn cạn khô đã trơ đáy, không còn khả năng cung cấp nước. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: Những năm trước, thời điểm này mực nước sông cao hơn khoảng 70cm, những trạm bơm ở đây dẫn nước vào tận chân ruộng, bà con không cần phải bơm, thế nhưng năm nay, bà con phải trực cả ngày cả đêm mà còn chẳng có nước để bơm.

 

Theo đồng chí Lê Văn Trọng, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì ở giai đoạn này nếu không đủ nước cung cấp cho lúa sẽ có nguy cơ nghẹn đòng, đối với cây ngô sẽ ảnh hưởng đến quá trình ngậm sữa, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, thậm chí có thể bị mất trắng những diện tích hạn nặng. Chính vì vậy, việc chống hạn cho cây trồng đang là vấn đề cấp bách hiện nay, để việc chống hạn đạt hiệu quả, huyện đã huy động mọi nguồn lực, sử dụng tổng hợp các biện pháp như: Bơm, tát, gầu, ống dẫn nước từ các khe lạch, đào giếng… để lấy nước cứu lúa.

 

Trước tình hình các hồ, đập, sông, suối đều cạn kiệt, bà con chuyển sang bơm tát ở ao, giếng của các gia đình. Trước đó, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, các ngành chức năng, xã, thị trấn thường xuyên tổng hợp báo cáo diện tích bị hạn, đánh giá xác định lượng nước chứa tại các hồ, đập. Căn cứ vào nguồn nước xây dựng lịch tưới cho từng cánh đồng, từng khu tưới. Ưu tiên tưới những diện tích ở xa trước, gần sau, các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm, hợp lý, không để thất thoát, lãng phí nước.

 

Có mặt tại nhà văn hóa xóm Thâm Đông để chứng kiến cuộc họp xóm khẩn cấp của bà con trong xóm, chúng tôi ghi nhận sự tích cực của toàn thể bà con ở đây trong việc chống hạn cho cây trồng vụ Xuân. Sau khi bàn bạc, hơn 60 hộ dân của xóm đều thống nhất biện pháp trước mắt là sử dụng máy bơm bơm nước từ 5 chiếc ao của 5 gia đình trong xóm để cung cấp cho những diện tích lúa đang hạn. Đây là những chiếc ao mà các gia đình vẫn sử dụng để chăn nuôi cá phát triển kinh tế, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, 5 hộ có ao cũng đã nhất trí hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể. Để giảm bớt thiệt hại cho những hộ này, các gia đình có nhu cầu bơm tưới sẽ hỗ trợ các hộ có ao với mức 25 nghìn đồng/sào.

 

Bà Hoàng Thị Thủy, xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương: Gia đình tôi có ao rộng 5 sào, hiện nay trong ao có trên 1.000 con cá trọng lượng trung bình mỗi con 1kg. Biết là nếu rút hết nước sẽ phải đánh bắt cá sớm, ảnh hưởng đến năng suất, nhưng trong thời điểm cấp bách này, tôi đành phải chấp nhận để tưới cho những diện tích lúa bị hạn.

 

Ông Phạm Văn Chung, Trưởng xóm Khau Lai: Đang là mùa mưa, nhưng mực nước tại các sông, suối, hồ, đập lại xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Đây là điều rất hiếm gặp và có thể ảnh hưởng tới cả vụ mùa sắp tới.