Đó là anh Dương Văn Dương, một thanh niên làm kinh tế giỏi ở xóm Vinh Quang 3, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công).
Từ hai bàn tay trắng, sau gần mười năm lăn lộn với bao khó khăn, đến nay, anh Dương đã gây dựng được một xưởng cơ khí với các loại máy móc trị giá hơn 100 triệu đồng, thu nhập đạt 300-400 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí). Hiện tại, xưởng có 5 lao động làm việc thường xuyên với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Là con trai duy nhất trong một gia đình thuần nông, những ngày còn đi học, Dương là một học sinh khá. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS năm 2000, Dương ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 2003, anh về Hà Nội, học việc ở các xưởng cơ khí. Bắt đầu đi làm, anh đã định hướng phải có một nghề trong tay, thế là vừa làm anh vừa tích lũy kinh nghiệm, để ý, tự mày mò, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay. Năm 2006, bố anh qua đời, thương mẹ một mình, anh về làm ở T.X Sông Công và lập gia đình với chị Nguyễn Thị Lê (làm nghề may). Cũng từ lúc đó, ý định mở xưởng đã được anh nhen nhóm.
Xác định nếu mở xưởng mà chỉ một mình có tay nghề thì rất khó, nên anh đã rủ thêm bạn bè trong xóm cùng đi làm thuê để khi có đủ điều kiện thì kéo họ về làm chung. Ban ngày làm thuê ở xưởng, đêm đến, anh Dương lại tự tay đóng gạch để xây xưởng. Sau hơn 5 tháng, khu nhà xưởng 3 gian hoàn thành trên diện tích gần 200m2. Đầu năm 2009, với số vốn tích cóp trong gần 6 năm làm lụng cùng khoản vay mượn từ người thân, bạn bè, xưởng của Dương đã đi vào hoạt động. Bước đầu, anh chỉ dám nhận làm các mặt hàng đơn giản nhưng đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, nắm bắt nhu cầu thị trường, ngoài các mặt hàng được đặt, cơ sở của Dương còn có nhiều sản phẩm làm sẵn như các công cụ, loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy băm rau lợn.
Dương tâm sự: Những ngày mới mở xưởng, cái khó nhất với tôi là nguồn vốn, vừa làm, tôi vừa lo vì số vốn ít ỏi không đủ mua nguyên vật liệu. Các khoản vay nợ khiến nhiều đêm tôi mất ngủ. Qua những người quen làm thầu xây dựng, Dương nhận việc ở các công trình nhỏ, có nhiều công trình lớn vì thiếu vốn nên phải bỏ. Sản phẩm làm ra được người dân trong và ngoài xã tin dùng nhưng thường mua chịu, xưởng cũng thường xuyên nợ tiền công thợ... vì thế cũng chỉ lấy ngắn nuôi dài. “Nhiều lúc chán nản lắm, nhưng cứ nghĩ nếu dừng lại thì công sức bấy lâu nay thành công cốc, thế là lại tìm cách xoay sở. Có lẽ khi ấy thứ mình có duy nhất là nghị lực, niềm tin với bản thân thôi” - Dương bộc bạch. Với quan điểm làm nghề quan trọng nhất là đạo đức, hàng bán không những đáp ứng nhu cầu chất lượng mà giá cả cũng phải hợp túi tiền người tiêu dùng. Cũng nhờ làm việc có uy tín và sự nhiệt tình của anh em thợ nên nhiều người đã tìm đến đặt hàng.
Nhắc đến những sáng kiến mới phải kể đến việc Dương chế tạo chiếc cày bằng sắt năm 2010 với trọng lượng chỉ 10kg, gọn và nhẹ hơn cày gỗ rất nhiều. Trong quá trình làm, anh nhiều lần phải “lên bờ xuống ruộng” càng trâu để có chiếc cày hoàn thiện. Sau khi được mọi người biết đến, mỗi ngày, xưởng làm 4-5 chiếc nhưng vẫn không đủ bán. Để có thể sáng chế ra nhiều cái mới, anh tìm hiểu qua Internet, sách báo và đi thực tế. “Việc chế tạo chỉ cần sai một chi tiết nhỏ là sản phẩm không thể sử dụng được, mình toàn phải đi học mót đấy. Bây giờ việc làm không hết, lại sợ không đủ sức mà làm thôi” - Dương cười chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện, tiếng máy mài, máy cắt vẫn vang lên đều đặn trong tiết trời nắng gắt. Dương vừa tiếp chuyện, vừa quan sát anh em thợ, thấy chỗ nào làm chưa được là đến hướng dẫn ngay. Từ ngày có xưởng sản xuất riêng, đời sống của gia đình anh được cải thiện hơn nhiều, anh sắm được xe máy, máy vi tính phục vụ công việc và nhiều tiện nghi gia đình. Tuy công việc khá đều nhưng nhà xưởng vẫn còn tạm bợ và rất cần được hỗ trợ vay vốn. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ đầu tư thêm vốn để tu sửa, mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc và đa dạng các mặt hàng. Nhìn đôi tay nhanh nhẹn với thước đo, máy móc tôi thầm cảm phục, ở cái tuổi 27, mấy ai tay trắng mà làm được như thế.