Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới đã đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế trong diễn đàn hội nhập kinh tế với chủ đề "Diễn tiến tác động hội nhập đến hoạt động thương mại của Việt Nam”, tại TP. Hồ Chí Minh ngày 10/5.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn và tự do hóa thương mại đã tạo điều kiện cho Việt Nam tận dụng hiệu quả hơn lợi thế so sánh vốn có, thúc đẩy xuất khẩu. Bước đầu Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng vốn và đòi hỏi trình độ công nghệ cao hơn. Thị trường xuất khẩu cũng "rộng cửa” hơn. FDI cũng góp phần quan trọng trong thúc đẩy Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.
Tuy sau khi gia nhập WTO luồng vốn đầu tư tăng mạnh nhưng tỉ trọng đầu tư vào các ngành chế biến, chế tạo giảm đi, đầu tư vào khu vực dịch vụ, bất động sản tăng. Đầu tư tăng nhưng lại góp phần gia tăng nhập siêu (nếu trừ phần xuất khẩu dầu thô thì FDI vẫn là khu vực nhập siêu). Đầu tư cao nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng thấp, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng lớn là nguyên nhân gốc rễ của lạm phát và những bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua. Trong một số năm gần đây, tốc độ tăng xuất khẩu của nước ta vào các thị trường có FTA tăng lên nhưng nhập khẩu từ các thị trường này còn cao hơn. Do tín dụng tăng mạnh và bành trướng đầu tư kéo dài đã khuyến khích đầu cơ đất đai, tài sản tài chính, vấn đề này có thể thấy ở cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và FDI. Đầu cơ đất đai, tài chính, "ăn sổi” và việc chỉ tận dụng lợi thế so sánh vốn có dễ tạo nguy cơ đẩy Việt Nam vào "kinh tế bong bóng” (cùng đổ vỡ kinh tế, xã hội) hoặc bẫy tự do hóa thương mại trong dài hạn.
Nhận định về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ nhận định, giai đoạn 2006 – 2010, phản ánh cơ hội mới cho chúng ta bứt phá nhờ đẩy nhanh hội nhập, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết các Hiệp định khu vực Thương mại tự do (FTAs), song kết quả không như kỳ vọng. "Thách thức lớn nhất trong năm 2015 khi mà 95% dòng thuế Trung Quốc về Việt Nam là 0%. Điều này cho thấy, hàng hóa sản xuất từ Sài Gòn ra miền Bắc vẫn không rẻ hơn hàng Trung Quốc, tức là khả năng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Nếu chúng ta phát triển giống Trung Quốc, phát triển dựa trên công nghệ của Trung Quốc, sản xuất ra những sản phẩm giống Trung Quốc thì chúng ta hoàn toàn thất bại nặng nề”.
Rào cản từ một số chính sách thương mại
Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài những khó khăn mà nền kinh tế trong nước bị tác động thì hàng loạt chính sách của Nhà nước cũng cần phải xem xét lại. Cụ thể, các văn bản pháp quy liên quan đến chính sách quản lý xuất khẩu của các bộ, ngành thường xuyên bổ sung, sửa đổi nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trước khi có hiệu lực. Công tác tổ chức xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng có khối lượng và giá trị lớn còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện tốt để xác lập mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến, thương nhân nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chưa xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định: "Thực thi cam kết trong WTO và các FTA tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường nội địa nên các chính sách của Nhà nước cần tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp phân phối lớn của nước ta với cơ sở kinh doanh hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên cạnh tranh”.
Quá trình hội nhập và thực hiện cam kết theo các tuyến hội nhập không đồng nghĩa với việc Việt Nam mất đi "không gian chính sách”. Theo đuổi các mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại ngày nay phải được thực hiện bằng công cụ chính sách tinh vi hơn, khoa học hơn và có tính liên ngành, đa ngành hơn.