Việc Vinacomin có công văn gửi Thủ tướng đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 0%, khiến ngay cả những người trong ngành không khỏi ngỡ ngàng.
Công văn số 2049 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị giảm thuế xuất khẩu than với lý do: tiêu thụ than trong nước chậm, giá than xuất khẩu giảm mạnh, tồn kho tăng cao, trong khi giá than đang bán cho sản xuất điện chỉ bằng một nửa giá thành nhưng vẫn chưa được điều chỉnh giá.
Theo dự kiến, nếu không được điều chỉnh giá kịp thời, ngành than sẽ phải chịu thiệt khoảng 8.500 tỷ đồng chỉ riêng việc bán than cho điện trong năm 2012 này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục năng lượng - Bộ Công thương vì than là mặt hàng chiến lược, thuộc diện nhạy cảm về an ninh năng lượng và tác động chi phối giá cả thị trường, việc tăng giá than cho điện cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
TS. Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng - Bộ Công thương cũng cho rằng, điều hành chính sách hiện nay thực sự gặp khó khi lựa chọn một trong 2 phương án: tăng giá than cho điện và giảm thuế xuất khẩu than. Xét trên góc độ khó khăn của doanh nghiệp về việc làm, thu nhập và cả vốn để đầu tư thì cả tăng giá và giảm thuế đều có lý. Tuy nhiên, xét ở góc độ nguồn than hữu hạn, quy hoạch điện thiếu than và khả năng nhập khẩu còn “mờ mịt”, nếu tăng giá than sẽ kéo theo giá điện, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội thì cũng nên cân nhắc chuyện giảm thuế.
Ngược lại hoàn toàn quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú sau nhiều năm nghiên cứu về hiệu quả tài nguyên khoáng sản thẳng thắn cho rằng: không những không giảm mà còn phải tăng thuế xuất khẩu than hơn nữa, bởi nhu cầu than cho sản xuất đang rất cao. Ông Tú cho rằng, có lẽ Chính phủ cần phải có lộ trình dần dần hướng tới cấm hoàn toàn xuất khẩu than, mà một trong những điều kiện để cấm và hạn chế xuất khẩu than trong thời điểm hiện nay chính là tăng thuế xuất khẩu.
Gay gắt hơn, TS. Vũ Đình Ánh (Viện phó Viện Giá cả và thị trường - Bộ Tài chính) cho rằng, việc quản lý khoáng sản nói chung, khoáng sản than nói riêng đang rất thiếu định hướng chiến lược và không giống ai cả. “Ngành than đề nghị miễn hoặc giảm cho họ thuế xuất khẩu là cực kỳ vô lý. Bởi ngành than khác với những ngành khác. Nếu những ngành khác không làm thì không tạo ra sản phẩm. Nhưng đối với những ngành tài nguyên khoáng sản nếu không làm thì tài nguyên vẫn còn đấy.
Tài nguyên thì hữu hạn, không tái tạo. Vậy làm thế nào để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả nhất cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Và khuyến nghị đầu tiên của TS Vũ Đình Ánh là phải “đánh” thuế tài nguyên không tái tạo với mức cao, không khuyến khích xuất khẩu để lấy nguồn thu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần phải tính toán lợi ích của ngành than trên tổng thể một bài toán chung, cân đối giữa lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài với khả năng hiện có của ngành than cũng như tài nguyên khoáng sản than.
Nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng quả quyết, giá than xuất khẩu thấp có thể là cơ hội để cấm hoàn toàn việc xuất khẩu than. Bởi xuất than trong điều kiện hiện nay là bán rẻ tài nguyên bằng mọi giá. Vấn đề cốt lõi là phải giải quyết các chính sách trong nước. Theo đó, cần nhanh chóng thúc đẩy các loại hàng hóa thiết yếu như than, điện, xăng dầu… theo cơ chế giá thị trường. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu năm 2013 các mặt hàng này buộc phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Nếu không biết tận dụng thời gian sẽ khó còn cơ hội để thực hiện mục tiêu đề ra./.