Ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Hữu Sinh, ở tổ dân phố Thanh Xuân 1, Phường Phố Cò (T.X Sông Công) là người đi đầu của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Hữu Sinh, ở tổ dân phố Thanh Xuân 1, Phường Phố Cò (T.X Sông Công) vẫn được biết đến là người tích cực, đi đầu của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Sinh vào một ngày đầu tháng 5 khi hàng trăm gốc nhãn muộn của ông đang nở hoa trắng xóa. Với nụ cười rạng rỡ, ông giới thiệu với chúng tôi về những cây nhãn như một “chuyên gia” thực thụ: Đây là giống nhãn ít bị sâu bệnh, cây khỏe, nếu chăm bón đúng cách thì đã ra hoa là đậu quả, chùm sai, quả to đẹp, cùi dày, thơm ngọt và ổn định về chất lượng qua từng năm. Thời điểm thu hoạch vào cuối tháng 9, khi mà các giống nhãn thường đã vào cuối vụ. Hiện, tôi đã trồng được 200 cây, trong đó có 100 cây năm nay bắt đầu cho thu hoạch, còn 100 cây đã cho thu hoạch từ năm 2008.
Trước kia, gia đình ông Sinh chỉ có 3 nghìn m2 đất vườn, chủ yếu trồng chuối, dứa…, hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với 8 sào ruộng, làm lụng chăm chỉ, gia đình ông cũng chỉ có “của ăn”, không có “của để” dành dụm. Qua tìm hiểu, nắm bắt thị trường, năm 1967, ông đã đưa cây chè về trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả. Vào thời điểm đó, ông là một trong những người đầu tiên trồng chè của thị xã Sông Công.
Từ trồng chè, gia đình ông đã dần khấm khá, nhờ đó đã mua thêm được 2 nghìn m2 đất vườn. Tuy nhiên, đến năm 1993, do chè bán không được giá như trước, ông Sinh quyết định bỏ chè để trồng cỏ nuôi bò, kết hợp với chăn nuôi vịt. Sự chuyển đổi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên ông có điều kiện để nuôi các con học hành tới nơi, tới chốn. Năm 2006, khi ông đã bước vào tuổi 65, sức khỏe giảm sút, lại không còn phải lo lắng nhiều cho các con nên ông quyết định chuyển sang làm kinh tế theo mô hình VAC.
Ông bộc bạch: Năm 2006, qua báo chí, tôi biết được hiệu quả cây nhãn muộn giống HTM1 do Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nên tôi đã quyết định mua 100 cây về trồng. Đây là giống cây phù hợp với đất vườn, ra quả hằng năm. Thời gian thu hoạch lại vào lúc nhiều giống cây ăn quả khác ở miền Bắc như mận, vải… hoặc đã kết thúc thu hoạch, hoặc chưa tới thời điểm chín (như hồng, cam, quýt)... Do đó, nhãn muộn sẽ cho giá thành cao và sức tiêu thụ mạnh. 2 năm sau (năm 2008), những cây nhãn này đã cho lứa quả đầu tiên với sản lượng 300kg. Năm đó, tôi bán được 4 triệu đồng.
Năng suất cứ thế tăng dần. Đến năm 2011, ông Sinh thu hoạch được trên 1000 kg quả, với giá bán 30 nghìn đồng/kg (cao gấp gần 2 lần so với nhãn chính vụ) thu lãi 25 triệu đồng. Thêm 100 cây nhãn cho thu hoạch lứa đầu năm nay, ông Sinh có quyền hy vọng về thu nhập sẽ cao hơn nhiều năm trước. Thấy được giá trị kinh tế từ loại nhãn này, ông Sinh đã chiết cành để cung cấp cây giống cho bà con trong xóm.
Ngoài 200 gốc nhãn, gia đình ông Sinh còn có 500m2 ao nuôi cá và chăn thả 100 con gà, gần 100 con vịt. Cộng các khoản thu, mỗi năm, trừ mọi chi tiêu sinh hoạt, vợ chồng ông cũng để dành được 40-50 triệu đồng. Ông thực sự là tấm gương sáng trong lao động sản xuất mà với nhiều người trẻ tuổi cũng chưa làm được.