Vì mục tiêu “an toàn- hiệu quả-phát triển và hội nhập”

07:57, 05/05/2012

Thái Nguyên là một trong những tỉnh được Trung ương quyết định thành lập Ngân hàng sớm nhất và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/6/1951.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng lúc đó là củng cố, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL ngày 6 - 5 - 1951 thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị phương án hoạt động sau kháng chiến của ngành Ngân hàng.

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên là một trong những tỉnh được Trung ương quyết định thành lập Ngân hàng sớm nhất và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/6/1951. Với 4 phòng nghiệp vụ và 35 cán bộ, đa phần được huy động từ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung về để ra mắt tại Đình Đồng Mỗ, xã Túc Duyên huyện Đồng Hỷ (nay là phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên), nhiệm vụ của Ngân hàng lúc này là  phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc.

 

Đặc biệt, từ năm 1986, công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Ngân hàng đã đi đầu, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thời gian này hệ thống ngân hàng được quản lý dưới hình thức tập trung vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa thực hiện chức năng cấp tín dụng.  Đến năm 1988, hệ thống Ngân hàng chính thức được tách thành ngân hàng 2 cấp: chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Trung ương; chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Cùng đó, các chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng luôn được đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

 

Kể từ khi thành lập cho đến nay đã gần 2/3 thế kỷ, các thế hệ cán bộ ngân hàng nói chung, Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên nói riêng luôn năng động, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đứng vững, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Nhìn lại thành tích mà các thế hệ cán bộ ngân hàng Thái Nguyên đã đạt được kể từ khi tách ngân hàng 2 cấp; giai đoạn 1991-2000 nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng bình quân đạt 35,84%/năm, dư nợ tín dụng  cho vay đối với nền kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 44,86%/năm.

 

Trong 10 năm trở lại đây 2001-2010 các chỉ tiêu tăng trưởng trong hoạt động ngân hàng tại tỉnh Thái Nguyên luôn đạt ở mức cao, ổn định, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng bình quân đạt 25,69%/năm, dư nợ tín dụng cho vay đối với nền kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 35,11%/năm. Tính chung thời kỳ hơn 20 năm đổi mới 1991-2010, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân tại địa phương đạt 30,77%/năm, tốc độ tăng trưởng dự nợ bình quân tại địa phương đạt 39,99%/năm. Đến hết 31-3-2012, nguồn vốn đạt 14.130 tỷ đồng, tăng 10,16% so với 31-12-2011; dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt 17.238 tỷ đồng giảm 2,23% so với 31/12/2011; nợ nhóm 3 - 5 là 207 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 1,20%/tổng dư nợ; tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đạt: 3.808 tỷ đồng với 108.865 khách hàng còn dư nợ.

 

Chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ nhóm 3 - 5 thường xuyên ở mức dưới 2%/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của toàn quốc. Các chỉ số tăng trưởng của hệ thống Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên luôn tăng cao, bền vững và thay đổi liên tục cùng với việc ngày càng có nhiều ngân hàng đặt chi nhánh tại địa phương, điều đó đã minh chứng bước phát triển lớn mạnh vượt bậc về quy mô và chất lượng. Mạng lưới hoạt động và cơ sở vật chất của các ngân hàng không ngừng tăng lên. Đội ngũ cán bộ công nhân viên đã có trên 1.500 người. Đây là cơ sở để hệ thống Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Những cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên những năm qua đã được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận bằng bằng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn của các thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành ngân hàng.

 

Ngày nay, trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hệ thống Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, đảm bảo hoạt động ngân hàng “An toàn- Hiệu quả- Phát triển và Hội nhập”. Vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2012 đã đề ra, toàn ngành phải tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng trạnh canh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.


*  Hiện nay trên địa bàn tỉnh có: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; 02 ngân hàng phục vụ các đối tượng chính sách xã hội và cấp tín dụng đầu tư cho các dự án của Nhà nước là: Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên;

 

- 05 NHTM Nhà nước là: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Đầu tư và phát triển, NHTMCP Công thương Việt Nam:Chi nhánh Thái Nguyên, Chi nhánh Lưu Xá, Chi nhánh Sông Công;

 

- 11 NHTMCP, Chi nhánh Thái Nguyên: Quốc Tế, An Bình, Việt Nam Thịnh Vượng, Kỹ Thương, Nam Việt, Quân Đội, Đông Á, Á Châu, Hàng Hải, Sài gòn Thương tín và Đông Nam Á;

 

- 10 chi nhánh ngân hàng cấp II;

 

- 76 Phòng giao dịch; 09 Quỹ tiết kiệm; 02 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đặt tại huyện Phú Lương và Phổ Yên;

 

-9 7 máy ATM và 93 máy POS tại 83 điểm cung ứng hàng hóa, dịch vụ.