Bài thuốc nào hiệu nghiệm?

09:47, 28/06/2012

Cắt giảm đầu tư công, các dự án bất động sản (BĐS) tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) từ đầu năm 2012 đến nay giảm đáng kể.  

Trong khi đó, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, chi phí tài chính lên đến 20-30%, vốn lưu động thiếu đã làm cho các doanh nghiệp (DN) VLXD phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều DN có dấu hiệu phá sản.

 
 

Giải bài toán tồn kho

 

Dẫn chứng là sản lượng sản xuất ngành xi măng từ đầu năm 2012 đến nay giảm 17%, sản lượng tiêu thụ xi măng giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng clanhke, xi măng tồn kho hiện nay lên tới hơn 3 triệu tấn (giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng). Sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do cao trào đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây. Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt 62-64 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 46-47 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7-8 triệu tấn, như vậy sản lượng dư thừa năm nay sẽ vào khoảng 10 triệu tấn.

 

Tương tự, ngành gốm sứ xây dựng cũng gặp không ít vấn đề. Sản lượng tồn kho nếu tính cả các đơn vị sản xuất lẫn đại lý đã tăng 20% (khoảng 40 triệu mét vuông gạch ốp lát và hơn 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng). Trong khi đó, việc tiêu thụ vật liệu xây không nung, nhất là loại vật liệu xây không nung nhẹ vẫn gặp nhiều khó khăn. Các dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp, hầu hết chỉ đạt 20-30% công suất. Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ còn rất hạn chế, chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng. Một số doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm đã phải dừng sản xuất.

 

Hạ lãi suất cho vay

 

Để cứu DN, Hội VLXD Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ (giãn nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây) cho các DN để không lâm vào tình trạng nợ xấu; hạ lãi suất cho vay xuống dưới 12% và nới rộng các quy định về điều kiện vay vốn lưu động để các DN VLXD khát vốn thực sự vay được vốn với lãi suất thấp phục vụ sản xuất (đến nay các DN VLXD chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp). Cùng với đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ, hạn chế VLXD nhập khẩu (năm 2011 nhập khẩu 665 triệu USD, riêng thủy tinh xây dựng nhập 115 triệu USD trong lúc sản phẩm tồn kho lớn, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất), đồng thời tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra chặt chẽ xuất xứ VLXD nhập khẩu bao gồm cả VLXD nhập theo các gói thầu EPC của các nhà thầu nước ngoài; quản lý việc xuất khẩu VLXD, chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, tùy tiện, gây thiệt hại lớn cho đất nước. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình xuất khẩu, khai thác tiềm năng của ngành VLXD (năm 2011 kim ngạch xuất khẩu VLXD đạt 766 triệu USD, tăng 86% so với năm 2010, phấn đấu năm 2015 đạt hơn 1 tỷ USD và năm 2020 đạt 1,5-2 tỷ USD).

 

Ở tầm vĩ mô, Hội đã kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế GTGT với các sản phẩm VLXD là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các DN tiêu thụ hàng tồn kho. Riêng ngành xi măng, Hội kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phát triển; ngừng đầu tư các dây chuyền công suất dưới 2.500 tấn clanhke/ngày, đẩy nhanh tiến độ các dây chuyền sản xuất clanhke xi măng ở miền Nam, miền Trung; có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (đến nay mới có 3 dự án trong số 30 dự án phải triển khai đầu tư). Ngoài ra, thực hiện các giải pháp kích cầu tạo đầu ra cho sản phẩm VLXD như làm đường giao thông bằng xi măng; quyết liệt thực hiện chương trình VLXD không nung thay thế đất sét nung; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người mua nhà ở khu vực đô thị, mua VLXD làm nhà ở khu vực nông thôn.