Chủ động phòng tránh tranh chấp thương mại

08:37, 29/06/2012

Tình hình kinh tế trong nước đang được nhận định là ảm đạm và cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đang "cộng hưởng", tạo gánh nặng trên vai mỗi doanh nghiệp (DN), làm nảy sinh khả năng xảy ra các cuộc tranh chấp thương mại.

Từ thực tiễn này, Bộ Tư pháp và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo những cảnh báo về tranh chấp thương mại, diễn ra ngày 28-6, tại Hà Nội.

 

Sự suy thoái của nền kinh tế ngày càng nặng nề đang trực tiếp đe dọa sự tồn tại của nhiều DN. Hiện có hơn 8% trong tổng số DN ở TP Hồ Chí Minh rơi vào cảnh đình trệ và đang chờ phá sản trong khi con số DN từng bước "lặng lẽ" rút khỏi thị trường cũng ngày một dài thêm. Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, đến nay đã có một số dự án bị hủy bỏ, đình hoãn nên để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chủ đầu tư, nhất là buộc họ phải xử lý vấn đề liên quan đến đất đai cũng như gánh chịu thiệt hại về các khoản vốn đã đầu tư, phần lớn là vốn vay. Từ đó, DN đầu tư sẽ phát sinh tranh chấp với chính quyền địa phương, các nhà thầu và các hộ dân trong phạm vi giải tỏa, đền bù.

 

Thực tế, tranh chấp giữa DN với DN là nhiều nhất, mà biểu hiện phổ biến là sự thoái thác nghĩa vụ của hợp đồng như yêu cầu điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, đơn phương hủy hợp đồng. Đã có trường hợp DN tuyên bố giải thể hoặc làm thủ tục phá sản nhằm chạy nợ.

 

Ngoài ra, khi DN mất khả năng tồn tại sẽ lập tức nảy sinh tranh chấp với người lao động, bởi phần lớn công nhân đều đã ký hợp đồng lao động, được quyền có bảo hiểm và một khi phải chấm dứt hợp đồng đột ngột thì chủ DN tất nhiên phải bồi thường cho họ. Yêu cầu này luôn là sức ép quá tải với chủ DN khi họ đã mất hết khả năng tài chính. Một số tranh chấp khác cũng rất có thể xuất hiện đồng thời như tranh chấp giữa DN với cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm… và diễn biến rất phức tạp, khó giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhiều bên liên quan.

 

Một số chuyên gia đã cung cấp những biện pháp khả dĩ để ngăn ngừa tranh chấp, chủ động giảm thiệt hại cho mỗi DN. Đó là, trước khi ký hợp đồng kinh tế cần điều tra rõ về năng lực tài chính, pháp lý, tiền sử giao dịch và những thông tin về cách ứng xử của đối tác trên thương trường; cần yêu cầu đối tác đặt cọc, thế chấp hoặc thực hiện bảo lãnh từ bên thứ ba hoặc ngân hàng; tuyệt đối không nên ứng tiền cho đối tác; khi xảy ra mâu thuẫn cần tỉnh táo bàn thảo để hai bên cùng giải quyết, nên phân định rõ vấn đề phát sinh do yếu tố khách quan hay đơn thuần là do đối tác "giở trò" để đưa ra hướng ứng xử phù hợp.

 

Xét cho cùng, tranh chấp là điều không ai, không DN nào muốn xảy ra. Bởi thế, cơ quan quản lý cũng như mỗi DN cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, ủng hộ DN chân chính, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần đối tác lâu dài và thượng tôn pháp luật. Có như vậy, thị trường sẽ lành mạnh và giảm được các vụ tranh chấp.