Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng luôn là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực cải thiện môi trường của tỉnh, đâu đó vẫn còn những “góc khuất” chưa được giải quyết.
Đánh giá mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường cho thấy: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số nơi vẫn còn xảy ra và tái diễn nhiều lần, chưa được xử lý triệt để, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảnh quan… Năm 2012, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 6 khu vực được xem là “điểm nóng” khai thác khoáng sản trái phép, với các loại khoáng sản chủ yếu là vàng, quặng sắt, than và cát sỏi. Đây chính là “góc khuất” đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này.
Qua thâm nhập thực tế, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm ở một số điểm mỏ trên địa bàn tỉnh. Đó là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực Mom Kiệu, xã Thuận Thành (Phổ Yên), nơi ngã ba sông tiếp giáp giữa Thái Nguyên, Hà Nội và Bắc Giang. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở khu vực này diễn ra từ khá lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Mỗi ngày có tới cả chục chiếc tàu cuốc chạy rầm rập gây náo loạn cả khúc sông, khiến cho dòng chảy bị ảnh hưởng, môi trường nước bị ô nhiễm. Còn đối với tình trạng khai thác vàng trái phép ở Thượng Nung, Thần Sa (Võ Nhai), Văn Hán, Cây Thị (Đồng Hỷ)…, độ ô nhiễm còn lớn hơn rất nhiều.
Đã bao nhiêu lần người dân sinh sống ở các khu vực này kiến nghị lên các cấp chính quyền về tình trạng nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất của bà con bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, qua nhiều lần các lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa nhưng cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. Tình trạng đào đãi vàng trái phép còn thường liên quan đến hoạt động nổ mìn, sử dụng các hóa chất độc hại nên độ ô nhiễm rất cao. Đối với những trường hợp sử dụng máy móc đào bới từng thửa ruộng để tìm vàng thì mức độ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân là rất đáng lo ngại…
Có một điều đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã tại một số địa phương có nhiều mỏ khoáng sản như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương còn kém hiệu quả. Cụ thể, chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp chính quyền cơ sở trong quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Không hiếm trường hợp bí thư, chủ tịch UBND xã coi việc bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và môi trường là nhiệm vụ chung của tỉnh, của huyện, thậm chí có trường hợp còn tiếp tay, thao túng cho các đối tượng khai thác trái phép. Điều đó trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá lâu trên địa bàn mà chưa giải quyết dứt điểm được.
Một “góc khuất” đáng lo ngại nữa hiện nay chính là sự tồn tại cố hữu trong lòng mỗi tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động khai khoáng. Nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho thấy, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhất là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ sản xuất còn hạn chế. Bởi vậy, sự quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, khắc phục môi trường trong và sau khai thác còn chưa đúng mức, nếu không muốn nói là quá kém. Đến nay còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản sử dụng các thiết bị, máy móc lạc hậu, dây chuyền công nghệ không đồng bộ. Vì thế, hiệu quả khai thác, chế biến đạt được rất thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường, gây sụt lún, mất nước tại một số khu vực khai khoáng vẫn xảy ra phổ biến.
Theo khảo sát chuyên môn thì hiện tại có 2/3 số máy móc thiết bị phục vụ hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh thuộc loại lạc hậu, chủ yếu nhập công nghệ cũ của Trung Quốc và gia công thêm ở trong nước. Chính sự lạc hậu của máy móc, công nghệ đã “góp phần” thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, khí thải và nước thải không đủ tiêu chuẩn cho phép. Theo con số thống kê về hiện trạng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trong hoạt động khoáng sản của tỉnh đến thời điểm hiện nay thì có 23 cơ sở khai thác khoáng sản gây ô nhiễm. Trong đó, số cơ sở gây ô nhiễm không khí chiếm khoảng 70%, còn lại là ô nhiễm nước mặt, môi trường đất.
Cá biệt có cơ sở gây ô nhiễm cả 3 loại hình trên. Có thể kể tên một số cơ sở như: Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ sắt Hóa Trung, Mỏ sắt Tây Chỏm Vung, Mỏ than Bá Sơn, Mỏ chì - kẽm Làng Hích, Mỏ thiếc Đại Từ, Mỏ titan Cây Châm, Mỏ vàng Bản Ná, Mỏ đá La Hiên, Mỏ sét Cúc Đường, Mỏ cát sỏi Đồng Cẩu…
Một tồn tại nữa là việc nhiều tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc thực hiện các quy định trong quá trình tổ chức khai thác khoáng sản. Đặc biệt, đối với việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, chương trình quan trắc giám sát môi trường…, không ít tổ chức, cá nhân đã bỏ qua hoặc làm theo kiểu đối phó.