Không ai trả nợ thay cho doanh nghiệp Nhà nước

14:45, 05/06/2012

Nhà nước sẽ không đứng ra trả nợ thay doanh nghiệp Nhà nước. Các ngân hàng cũng phải tự chịu trách nhiệm về các khoản đã cho vay.  

Hơn 400.000 tỷ đồng là số nợ của các DNNN lớn tính đến tháng 9/2011 được tổng kết trong Đề án tái cơ cấu DNNN mà Bộ Tài chính mới trình Chính phủ tháng 4/2012.

 

Vay nợ quá đà?

 

Theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá, vốn của hầu hết các DN, kể cả nhà nước và tư nhân, đều là vốn vay. Vốn tự có của DNNN chiếm khoảng trên 50% là nhiều. Về nguyên tắc, DN hay cá nhân kinh doanh thì việc vay nợ là bình thường. Tuy nhiên, trong quản trị tài chính doanh nghiệp phải có ngưỡng an toàn.

 

Còn theo phân tích của TS Trần Du Lịch thì tỷ lệ nợ trên vốn có an toàn hay không còn dựa trên dòng tiền của DN. Nếu dòng tiền phù hợp với lộ trình trả nợ thì anh an toàn về tài chính và không mất khả năng chi trả, trả nợ.

 

Nói về con số nợ của các DNNN, ông Trần Du Lịch cho rằng: “Nếu tính toàn bộ khối DNNN, vốn chủ sở hữu phải trên 600.000 tỷ đồng. Như vậy 400.000 tỷ nợ so với tổng vốn chủ sở hữu là an toàn. Nhưng nếu xét từng đơn vị một, rõ ràng là có vấn đề. Vốn vay lên tới 10 lần vốn chủ sở hữu mà kinh doanh không hiệu quả là một nguy cơ. Kiểu nợ như Vinashin, Vinalines rõ ràng là không thể chấp nhận được”.

 

Bên cạnh đó, cũng phải làm sâu hơn để thấy được việc vay nợ đó có tuân thủ những nguyên tắc quản trị tài chính DN không? Đồng tiền đó có được sử dụng hiệu quả không? Vay đó là vay gì và sử dụng vào mục đích có phù hợp không?

 

“Nhưng nếu xét chung, tôi cho rằng một số tập đoàn, tổng công ty NN vung tay quá trán trong vấn đề vay nợ, trong vấn đề đầu tư không hiệu quả. Đây là vấn đề đáng báo động” – ông Trần Du Lịch cảnh báo.

 

Trong báo cáo của Bộ Tài chính, chưa phân tích cụ thể danh mục nợ của các DNNN. Theo ông Trần Du Lịch, để có thể tái cấu trúc chúng ta cần phân tích từng tập đoàn, từng tổng công ty, từng đơn vị cơ cấu nợ và tình hình tài chính của từng DN để có thể xử lý được.

 

Doanh nghiệp tự vay tự trả. Theo luật,  “DNNN hoạt động dưới dạng công ty TNHH, nghĩa là chỉ mất vốn chủ sở hữu chứ Nhà nước không trả nợ thay, trừ những khoản nợ mà Nhà nước bảo lãnh”, ông Lịch quả quyết.

 

Trong kiến nghị của UBTV Quốc hội gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII thì cần mạnh dạn cho phá sản những doanh nghiệp đã và đang thua lỗ, làm thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và cho nền kinh tế.

 

Việc có để lại hay cho phá sản một DN, theo ông Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện tài chính, sẽ do từng bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty xác định. Trên cơ sở xem xét lại từng ngành nghề, sẽ xây dựng chiến lược cho từng DN, rà soát tài chính để biết khả năng lấy lại vốn của DN. Với những DN trên bờ vực phá sản sẽ cho phá sản. Về tiêu chí cho phá sản, nguyên lý chung là mất khả năng thanh toán trầm trọng, DN không có khả năng trả nợ.

 

Ngân hàng phải tự chịu nợ xấu

 

Trong số nợ “khủng “ của các DNNN, thực trạng nợ xấu như thế nào đang là câu chuyện lớn, dù NHNN đã công bố, nợ xấu của toàn hệ thống chỉ 3,6% (năm 2011).

 

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao biết một số DNNN làm ăn không hiệu quả mà các NH vẫn cho vay? Lý giải nguyên nhân tại sao các NH lại “kết” các DNNN như vậy, ông Trần Du Lịch cho rằng: Do họ nghĩ sau lưng DNNN là Nhà nước, an toàn cho họ, thành ra họ thích cho vay. Quan điểm của họ là “Nắm người có tóc”. Còn đối với DNNVV, rất khó vay vì ngân hàng thấy không an toàn”.

 

Đến bây giờ, khi xảy ra tình trạng “dở khóc, dở cười” thì chính các NH phải tự chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình. Nhà nước không đứng ra trả nợ thay DNNN.

 

“Nếu DN không trả nổi nợ, thì cần xử lý theo quy định của Luật phá sản. Ai cho DN vay mất khả năng chi trả thì phải chịu. Còn lĩnh vực nào, nếu như những rủi ro gây khó khăn cho DN mà ngành đó đang sử dụng quá nhiều lao động, nếu phá sản ảnh hưởng đến xã hội hoặc những ngành cần khuyến khích phát triển thì Nhà nước xem xét hỗ trợ để DN tái cấu trúc lại nợ, để xử lý phát triển. Trong trường hợp này, không chỉ có DNNN mà phải cho cả DN tư nhân. Đây cũng chính là  lý do vì sao các ngân hàng chung tay xử lý nợ Bianfishco”, theo ông Trần Du Lịch.

 

Theo ông Hoàng Trần Hậu, khó nhất trong việc xử lý tài chính của DNNN là xử lý các khoản nợ xấu.Việc mua-bán nợ, các chủ nợ phải tự tính toán với nhau, chuyển nợ thành vốn, tổ chức lại kinh doanh. Tình trạng sáp nhập, mua nợ, mua lại DN là những chuyện rất bình thường.

 

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cảnh báo: “Không phải nợ nào cũng mua bán được. Cái nào xử lý được mới mua. Nợ xấu không mua bán được thì mua làm gì?”./.