Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn loay hoay

07:22, 14/06/2012

Lãi suất huy động VND cho kỳ hạn 1-12 tháng đã được "kéo" từ 11%/năm xuống 9%/năm kể từ ngày 11-6 và điều này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ giảm.

So với nhiều tháng trước, mức lãi suất cho vay hiện nay được coi là "dễ thở" đối với doanh nghiệp (DN), cũng như khách hàng cá nhân, bởi ngân hàng đồng loạt đưa ra những chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi là 11-13%/năm. Song, điều kiện để có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ này không đơn giản…

 

Cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động VND về mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng cũng đồng loạt công bố các mức lãi suất cho vay, với mức giảm đáng kể so với trước. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay của gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng xuống thấp nhất là 12%/năm với các khoản vay bổ sung nhu cầu vốn lưu động, thấp nhất là 13%/năm với các khoản vay ngắn hạn để mua nhà, xây hoặc sửa chữa nhà ở… Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất cho vay ưu đãi đối với DN xuất khẩu chỉ còn 11%/năm.

 

 Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm (nông nghiệp, nông thôn, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ), các đối tượng khác: 14-15,5%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, sản xuất, thu mua, chế biến hàng nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước: 14,5-16,5%/năm; ngành nghề khác: 15-17%/năm; phi sản xuất: 14,5-17,5%/năm... Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố thêm một gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua căn hộ tại dự án Berriver Long Biên Hà Nội do Công ty CP Xây dựng Hà Nội số 9 làm chủ đầu tư. Các khách hàng đăng ký vay tại SeABank để mua căn hộ sẽ được hưởng lãi suất chỉ từ 11,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu, với mức vay tối đa 70% giá trị căn hộ, thời hạn vay tối đa 20 năm.

 

Mặc dù các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng nhiều DN vẫn phàn nàn khó có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Đại diện một DN ở Hà Nội thừa nhận, lãi suất ưu đãi của ngân hàng dường như quá "xa" với DN, bởi những điều kiện mà ngân hàng đưa ra quá chặt chẽ. Bởi vậy, ngay cả DN trong nhóm ưu đãi cũng đành tìm cách vay thông thường với lãi suất cao hơn, nhưng thủ tục bớt khắt khe hơn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng có cái lý của ngân hàng. Giám đốc một ngân hàng TMCP ở Hà Nội cho biết, với lãi suất cho vay 11-12%/năm, ngân hàng hầu như không có lợi nhuận, nên phải lựa chọn kỹ đối tượng để cho vay, với những điều kiện khá khắt khe. Để có thể được vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, DN sẽ phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Song, hầu hết các DN đều cho rằng, việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất đã giúp các DN thoát khỏi khó khăn. DN không còn phải căng thẳng để lo xoay xở cho những khoản vay, với lãi suất "ngất ngưởng" như trước.

 

Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng này sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng với 4 lĩnh vực ưu tiên (hộ sản xuất, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) với việc thực hiện gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi khuyến khích khách hàng xuất khẩu, nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ, với lãi suất VND 11%/năm. Agribank cũng sẽ tính đến việc giảm thêm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng giảm giá thành, giảm chi phí để kinh doanh có lãi. Với khách hàng đang hoạt động kinh doanh nhưng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn, Agribank xem xét cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với dòng tiền của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, giảm áp lực trả nợ đối với khách hàng…