Cạnh tranh nhau để chăm chút khách hàng tốt, sẵn sàng cơ cấu lại nợ và áp lãi suất 10-11%, nhưng các ngân hàng thừa nhận không đủ lực để cứu doanh nghiệp một cách đại trà. Vì thế vẫn có đơn vị phải vay vốn lãi suất tới 22%.
Ngay sau khi lãi suất huy động ngắn hạn về 9%, Công ty cổ phần thực phẩm Hanco đã được ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay của hợp đồng cũ từ 19,5% xuống 17% mỗi năm.
Riêng những khoản vay mới, Hanco được các nhà băng chào mời 14-15% một năm. "Điều kiện vay cũng không quá khắt khe vì chúng tôi là khách hàng thân quen và hoạt động ổn định", Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanco nói.
Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG), Nguyễn Thị Như Loan cũng khoe với nhu cầu 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, công ty được các ngân hàng đồng ý cho vay lãi suất 15% một năm và thả nổi theo thị trường, đúng như tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc Cường chia sẻ, những khoản nợ bất động sản doanh nghiệp xin cơ cấu lại lần này là nợ dài hạn, thời gian bắt đầu trả nợ là tháng 6/2013 và được chấp thuận gia hạn đến tháng 6/2014. Các ngân hàng cũng đồng ý tăng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc triển khai dự án.
Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tuấn ở Quảng Ngãi bộc bạch trong đợt hạ trần lãi suất của ngân hàng lần này, ông đã vay hơn 3 tỷ đồng lãi suất ưu đãi để mua thêm phương tiện, thiết bị đáp ứng nhu cầu thi công xây dựng trên các công trình.
Giám đốc Xí nghiệp Hưng Định ở Khu công nghiệp Tịnh Phong (Quảng Ngãi) Nguyễn Minh Tăng lạc quan khi cho rằng đợt hạ trần lãi suất ngân hàng lần này là liều thuốc quý tiếp sức cho doanh nghiệp của ông thoát khỏi khốn khó, hy vọng công việc làm ăn trong thời gian tới thuận buồm, xuôi gió.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, một số doanh nghiệp thép hiện vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo ông nhà băng dường như dị ứng với ngành này vì thời gian qua thép rơi vào tình trạng ế ẩm, hàng tồn kho nhiều. "Trước thời điểm hạ lãi suất huy động từ 11% xuống còn 9% thì hầu như 10 doanh nghiệp đi vay, ngân hàng quay mặt cả 10", ông Cường chia sẻ.
Ông Cường ngao ngán cho rằng chỉ khi nào thị trường bất động sản ấm lên, công trình xây dựng tái khởi động thì ngành thép mới mong sôi động trở lại và lúc đó mới dám hy vọng nhận được ưu ái của ngân hàng. "Doanh nghiệp thép hiện vẫn khá chật vật để tiếp cận vốn vay ngân hàng. "Trường hợp nào may mắn cũng phải vay tới 17-18%", ông Cường nói.
Chung nỗi niềm, phó giám đốc một công ty xây dựng tại Tân Bình, TP HCM vẫn phải "bấm bụng" vay 10 tỷ đồng để phục vụ cho một dự án mới tại Long An với lãi suất 22%. "Điều kiện vay cũng hết sức khắt khe, không chỉ trình phương án kinh doanh, chứng minh hoạt động ổn định, doanh nghiệp còn phải thế chấp tài sản đảm bảo...", ông nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hồng Chung, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng ngân hàng không thể giải doanh nghiệp một cách tràn lan. Theo ông Chung, chính sách hạ trần lãi suất vay thật sự ý nghĩa đối với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, còn đơn vị nợ xấu nhiều, không có khả năng gượng dậy được thì cần mạnh dạn thanh lý, thu hồi nợ.
"Theo tôi, đây cũng là cuộc thanh lọc để nền kinh tế đất nước tăng trưởng hiệu quả, phát triển vững chắc", ông Chung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự đứng trên đôi chân của mình. "Anh nào thể trạng khỏe thì sống tốt còn quá ốm yếu phải chịu sự đào thải chứ không thể bắt ngân hàng cứu bằng mọi giá. Làm như vậy là bất công với những doanh nghiệp khác đang hoạt động ổn định", ông nhận xét.
Theo ông Tùng, thực tế thời gian qua, với những khách hàng tốt, BIDV thực hiện điều chỉnh lãi suất ngay trên hợp đồng; lãi suất cũ được giảm về mức mới. "Hiện có doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn quá cao, tôi nghĩ có lẽ chủ yếu là những đơn vị kinh doanh chưa tốt, hoặc chưa thực sự minh bạch, khả năng phục hồi không cao", ông nói.
Vị Phó tổng BIDV thông tin thêm, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp xuất khẩu thanh toán tại nhà băng thấp nhất chỉ còn 12%. "Đặc biệt, với những khách hàng có triển vọng tốt, hoạt động hiệu quả, chúng tôi thậm chí còn cho vay với lãi suất cực thấp 10-11% một năm", ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, hiện nay số vốn cho doanh nghiệp vay dưới 14% hiện chiếm tới 50% trong tổng dư nợ tín dụng của BIDV. Còn số dư nợ từ 16-17% dành cho nhóm đối tượng này gần như không nhiều, đa phần là những khoản nợ cũ, chưa đến hạn điều chỉnh mới.
Ông Tùng cũng cho rằng, lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay đã xuống 9% một năm. Theo độ trễ, khoảng tầm 3 tháng nữa mặt bằng lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp ưu tiên sẽ đồng loạt xuống khoảng 12% mỗi năm, lãi vay trung dài hạn cũng chỉ cao hơn ngắn hạn tầm 1-2%.
Tương tự BIDV, Agribank cho biết lãi suất cho vay xuất khẩu tại ngân hàng này cao nhất đang là 11% một năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn với VND tối đa là 13% một năm, các đối tượng khác 14 - 15,5% mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank, doanh nghiệp tốt hiện là đối tượng được ngân hàng săn đón và cạnh tranh giảm lãi suất. Vì thế, các điều kiện tín dụng với những khách hàng này không những không thắt chặt thêm mà còn nới lỏng hơn trước.
"Tôi khẳng định các ngân hàng không hề thắt chặt mà còn dễ dãi hơn trước. Ngân hàng đang nhìn doanh nghiệp tốt một cách tích cực chứ không gây khó dễ", ông Bảo trần tình.
Một số ngân hàng khác quy mô nhỏ hơn cũng đang rục rịch công bố giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Tienphongbank vừa tung gói tín dụng 3.000 tỷ đồng lãi suất 12,5 - 14% một năm, ưu tiên khách hàng mới.
Phó giám đốc phụ trách tài chính vi mô của TienPhongBank, ông Megumu Motohisha cho biết, nhà băng này sẽ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và không quá cứng nhắc trong xét duyệt, quản trị rủi ro. Theo ông, lãi suất cho vay cao đã vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và giờ nó đang trở lại ở mức hợp lý.