Mạnh dạn giải thể những doanh nghiệp nhà nước yếu kém

08:24, 01/06/2012

Do cơ chế chưa rõ ràng nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không quyết bán cổ phần vì sợ “phải vào tù”, thà rằng cứ để đấy 10 năm nữa cũng chẳng sao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nợ nần chồng chất  thậm chí rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài là thực trạng của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) hiện nay. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc phải tái cơ cấu toàn diện các DNNN.

 

Những hòn đá tảng

 

Những vụ bê bối tài chính tại một số DNNN do các cơ quan chức năng công bố gần đây cho thấy, công tác quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại DN đang tồn tại nhiều bất cập. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2011, tổng số lỗ lũy kế của các DNNN lên tới 26.110 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn điện lực (EVN) năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam năm 2009 lỗ tới 1.026 tỷ đồng…

 

Theo ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng – Cục Tài chính Doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, TCT Nhà nước đã chót đầu tư ngoài ngành, bây giờ sắp xếp thu hẹp là khó, nhưng chúng ta phải “cắn răng” sắp xếp theo mô hình chiều dọc chứ không theo chiều ngang. Các công ty của Nhà nước cùng đầu tư vào một lĩnh vực dẫn đến tình trạng giữa các DNNN “đánh nhau”, nguồn lực nhà nước bị triệt tiêu.

 

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, các đề án đều chưa tính toán chi phí tài chính, chưa rà soát được công nợ, khoản nợ mất, thua lỗ như thế nào. “Nếu lật vấn đề này lên, vô hình chung, báo cáo cơ quan chủ sở hữu đã nói sai vì thời gian qua, hoạt động không hiệu quả như đã báo cáo. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp e ngại. Phải quyết tâm làm, chấp nhận được-mất”.

 

Một vướng mắc nữa là việc tổ chức và con người. Khi sắp xếp lại doanh nghiệp, có thể một Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ còn phù hợp với một lãnh đạo cấp phòng một đơn vị trên tổng công ty. “Đang từ đi ô tô xuống đi xe máy chắc cũng không chịu được. “Do đó, phải rà soát lực lượng lao động theo trình độ. Khi phát triển nóng đã nhận ào ào, theo nhiều mối quan hệ khác nhau. Đây là một áp lực đối với chủ sở hữu và cơ quan hữu quan”.

 

Khẳng định rõ cần có quyết tâm thì mới có thể tái cơ cấu DNNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: Cái gì cũng phải có giá phải trả. Đã đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào lĩnh vực không phải của mình thì yêu cầu phải thoái vốn. Khi bán, sẽ có phần được giá cao hơn, thấp hơn, nhưng nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt là thoái vốn phải theo cơ chế thị trường, đảm bảo bảo toàn hiệu quả cao nhất.

 

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu dẫn chứng, cách đây mấy năm mua một cổ phần có giá 11 nhưng bây giờ có thể chỉ bán được 9. Đây là rủi ro kinh doanh thì phải chấp nhận thay vì để càng ngày càng thiệt hại.

 

Ai dám chịu trách nhiệm?

 

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: Mục tiêu của cơ cấu DNNN là nâng cao hiệu quả, phục vụ chính sách công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Tuy nhiên, nếu đánh giá tài sản DNNN theo kiểu hiện nay thì không làm được, vốn điều lệ cũng không có ý nghĩa gì.

 

Ông Tuyển đưa ra một dẫn chứng về một nhà máy dầu thực vật do tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (thời kỳ đó ông Tuyển về làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An). Tổng đầu tư dự án là 53 tỷ. Khi đi vào vận hành năm nào tỉnh cũng phải đi vay ngoại tệ để trả nợ. “Tôi đề nghị với tỉnh là bán nhà máy đi lập tức để tránh rơi vào chuyện nợ nần và lúc đó được định giá là 22 tỷ đồng. Ngay sau khi DN vào tiếp nhận nhà máy và gắn thương hiệu của mình vào thì liên tục phải mở rộng sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu”.

 

Qua câu chuyện này, ông Tuyển muốn nói rằng, cái gì mình làm ăn thua lỗ thì mạnh dạn cắt lỗ, chuyển giao cho người làm tốt hơn mình. Làm như vậy vừa để cứu mình, cứu người khác.

 

Còn theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc EVN, thì cơ chế đổi mới chính sách tài chính phải gắn với thị trường. Nhiều khi nói đến chính sách tài chính lại quên chính sách giá cả. Nếu đặt DNNN làm công ích là chính thì Nhà nước có thể can thiệp vấn đề giá cả. Còn nếu không thì kinh doanh trên thị trường thì phải bình đẳng. Nếu TCT mà chưa định hoặc chưa rõ ràng cơ chế giá thì cổ phần hóa sẽ tắc. “Khi đưa giá điện thấp thì các nhà máy điện bán cổ phần không ai mua. Hoặc chỉ một số ông thâu tóm mua lại và khi ra thị trường thấy giá lên thì bán lấy siêu  lợi nhuận. Vấn đề này Nhà nước tính như thế nào?” – ông Tri nêu vấn đề.

 

Nhà nước cũng phải mạnh dạn xem những DN nào không phát huy thì bán luôn, thà rằng lỗ một chút còn hơn nuôi rồi sau này mất toàn bộ vốn. Có thể giải thể DN đó để tạo cơ hội cho tư nhân thúc đẩy lên.

 

Theo ông Tri, thoái vốn của EVN cũng theo quy định của Bộ Tài chính, thoái vốn không được mất vốn, bán không được dưới giá trị sổ sách. Có người đồng ý mua nhưng lại dưới giá qui định. Từ dẫn chứng mà ông Trương Đình Tuyển nêu, ông Đinh Quang Tri cho rằng: “Nếu là DNNN thì không bao giờ những người đứng đầu doanh nghiệp bán để mà phải vào tù, thà rằng họ cứ để cổ phần đấy 10 năm nữa cũng chẳng sao. Không ông giám đốc nào dám quyết để đi tù”.

 

DNNN cầm tiền của dân đi đầu tư nên phải có trách nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất trong quá trình TCT như ông Đặng Quyết Tiến đã nêu, là liên quan đến con người. Con người mới là yếu tố quyết định để điều hành các chính sách. Một số vụ đổ vỡ xảy ra có nguyên nhân từ chính cá nhân, công tác tổ chức cán bộ…  Vì vậy, “Chính sách tài chính và cán bộ phải đi cùng với nhau. Nếu cơ chế tài chính rất đẹp nhưng người thực hiện không đủ năng lực kinh tế, quản lý, kỹ thuật và đạo đức, thì cơ chế tài chính có đẹp bằng “giời” thì cũng thôi” – ông Đinh Quang Tri nói.

 

Và một việc phải làm ngay là “Cần nhanh chóng tổng kết mô hình thí điểm tập đoàn kinh tế Nhà nước” – ý kiến của TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam. Theo TS Thanh, mô hình tập đoàn kinh tế được triển khai tại một số đơn vị đến nay vẫn đang trong giai đoạn thí điểm chứ chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước. Các tập đoàn đã đi từ mô hình nhà nước bảo lãnh sang độc quyền hay nói cách khác là chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền DN. Điều này thể hiện rõ nét ở các DN điện, than, xăng dầu. Quản lý một khối lượng lớn vốn và tài sản nhà nước, song các tập đoàn kinh tế lại lại chưa hề có cơ chế hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính. Thực tế này đã khiến việc vận hành DN rơi vào tình trạng loạng choạng, thậm chí nảy sinh nhiều sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính.

 

Theo TS Đặng Văn Thanh, việc thiếu một hệ thống kiểm soát tài chính nội bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều tập đoàn. Những năm gần đây, hệ thống này gần như không tồn tại trong các tập đoàn kinh tế vốn có quy mô nhân lực và tài chính khá đồ sộ. Trong khi đó, kiểm soát nội bộ lại được coi là hệ thống “cầu chì” bên trong, có chức năng cảnh báo sớm, giúp DN có thể nhận biết và kịp thời khắc phục những sai sót, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

 

Ông Thanh khẳng định, cơ chế quản lý nội bộ những năm 60-70 là một trong những mô hình quản lý khá thành công. DNNN cuối ngày phải kiểm kê quỹ, dù còn lại 50 đồng cũng phải lo đem đi nộp ngân hàng. Trong khi đó hiện nay, việc  xuất quỹ, xuất toán tại các đơn vị hầu như không có gì ràng buộc. Kiểm soát tài chính  phải giống như việc anh ra, vào cơ quan thì phải xuất trình giấy tờ. Mỗi năm ít nhất những người điều hành DN phải chịu sự kiểm soát nội bộ một lần. Khi có một lực lượng giám sát thì việc điều hành của lãnh đạo chắc chắn sẽ chỉn chu hơn./.