Nạ Mộc mạnh dạn trong phát triển kinh tế

08:46, 29/06/2012

Nhiều năm trở lại đây, thôn Nạ Mộc, xã Bình Yên (Định Hoá) được biết đến là địa phương luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của xã Bình Yên. Từ một thôn thuần nông chỉ chú trọng việc cấy lúa, trồng chè, người dân đã mạnh dạn đưa các mô hình chăn nuôi với quy mô tập trung theo hướng hàng hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước làm tăng thu nhập, diện mạo nông thôn Nạ Mộc đang dần thay đổi.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình trang trại lợn của gia đình, ông Hoàng Văn Chung tự hào khoe với chúng tôi: Ngoài 100 con lợn này, gia đình tôi còn nuôi thêm 100 con gà và hơn 400 con vịt, thu nhập bình quân đạt trên dưới 300 triệu đồng/năm. Được biết, trước đây, gia đình ông Chung cũng giống như bao hộ dân khác trong xóm chỉ nuôi dăm ba con lợn, con gà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình

 

Năm 2005, với suy nghĩ phương thức sản xuất cũ chỉ đủ ăn chứ không thể có “của để dành”, ông Chung đã mạnh dạn từ bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ trước đó để chuyển sang hình thức chăn nuôi hàng hoá, tập chung với quy mô lớn. Với số vốn tích cóp của gia đình, ông Chung vay mượn thêm bạn bè và người thân để đầu tư xây dựng khu chuồng trại nuôi lợn với quy mô từ 60-100 con/lứa. Mới đầu, nhiều người trong xóm còn e ngại về quy mô chuồng trại của ông Chung, nhưng khi thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại thì nhiều hộ nông dân trong xóm đã tìm đến ông Chung để học tập kinh nghiệm.

 

Cũng từ mô hình chăn nuôi của ông Chung, đến nay, tại xóm Nạ Mộc đã có trên 20 mô hình chăn nuôi với quy mô từ 30-100 con lợn và hơn 100 con gà… Năm 2008, ông Chung mở cửa hàng xay xát gạo và cung cấp thức ăn gia súc cho các hộ chăn nuôi trong xóm. Chính điều đó đã tạo điều kiện thuận tiện cho bà con trong xóm khi thực hiện các mô hình chăn nuôi, khích lệ tinh thần hăng say lao động, tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

 

Chia tay gia đình ông Chung, chúng tôi  đến thăm mô hình nuôi gà đẻ và chim Trĩ của gia đình ông Ma Công Thắng. Gia đình ông Thắng nuôi gà mái đẻ từ tháng 3-2011 với số lượng 200 con, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu được từ 25-30 quả trứng với giá bán trung bình từ 2,5-3 nghìn đồng/quả. Nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Thắng đầu tư xây dựng lò ấp với công suất 2.400 quả/lượt ấp. Có lò ấp, gia đình ông Thắng chuyển sang ấp trứng để bán gà con với thu nhập lên tới 5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4-2011, tìm đọc trên sách báo và nhờ bạn bè giới thiệu, ông Thắng mua 13 con chim Trĩ giống về nuôi (trong đó có 9 con chim mái). Ông cho biết, Trĩ là loài chim dễ nuôi, ít bệnh bệnh tật, trung bình một con  chim mái sẽ đẻ khoảng 15 trứng/tháng, tỷ lệ ấp nở đạt 70% với giá bán 500 nghìn đồng/đôi giống đạt 15 ngày tuổi. “Đây là hướng chăn nuôi mới, nếu hiệu quả, gia đình tôi sẽ không nuôi gà đẻ nữa mà tập trung nuôi và nhân rộng đàn chim Trĩ”, ông Thắng khẳng định. Được biết, tháng 2-2012, đàn chim Trĩ của ông Thắng đẻ được 80 trứng và ấp nở được 20 con chim non/lứa. Ngoài nuôi gà, chim Trĩ, gia đình ông Thắng còn nuôi cá chép, trôi giống trên diện tích 2 sào ao và làm 4 sào chè, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông Thắng thu về khoảng 70 triệu đồng từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hoa, Trưởng thôn Nạ Mộc cho biết: Là thôn được hưởng ưu đãi từ Chương trình 135, vì vậy khi có các dự án, chương trình, nguồn vốn hay cây, con giống hỗ trợ được đưa vào xóm thì chúng tôi đều tổ chức họp bàn với bà con trong thôn, từ đó bình xét xem điều kiện của từng hộ để có sự hỗ trợ kịp thời và lựa chọn việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp. Đây là cách làm hay được bà con trong xóm quan tâm và nhiệt tình ủng hộ. Cũng từ cách làm này mà nhiều hộ dân trong xóm có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu như: gia đình ông Ma Công Dẻo, ông Lường Phúc Thuỷ, ông Ma Công Huyên, chị Hoàng Thị Tình…

 

Cả thôn Nạ Mộc có 53 hộ dân thì chỉ còn có 7 nhà  chưa được xây mái bằng; năm 2009 cả thôn có 19 hộ nghèo thì đến hết năm 2011 chỉ còn 16 hộ (trong đó, 9 hộ là các cụ sống neo đơn, quá tuổi lao động hoặc tàn tật); số máy cày trong thôn tăng từ 2 chiếc (2009) lên 10 chiếc (2011); thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 15 triệu đồng/người/năm… Tất cả những kết quả trên như minh chứng cho sự đổi thay từng ngày, từng giờ trên chính mảnh đất thuần nông này.