Ngân hàng Nhà nước: Hơn 10% tổ chức tín dụng thua lỗ năm 2011

15:16, 20/06/2012

Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2011 của toàn hệ thống thấp hơn các năm trước. Trong đó, có gần 50% các TCTD có lợi nhuận giảm so với năm 2010.

Trước tình hình một số tổ chức tín dụng (TCTD) công bố lợi nhuận rất cao, trong khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, thậm chí lâm vào tình trạng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, giám sát.

 

Qua theo dõi số liệu về kế toán tài chính của TCTD do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thu thập được từ báo cáo của các TCTD, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của toàn hệ thống TCTD tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước.

 

Đặc biệt, gần 50% các TCTD có lợi nhuận giảm so với năm 2010, trong đó hơn 10% số lượng các TCTD vì nhiều lý do, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

 

Cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN đưa ra 4 nhận xét về tốc độ tăng thu nhập năm 2011 của các TCTD Việt Nam.

 

Thứ nhất, mức lợi nhuận của ngành Ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước. Lợi nhuận của năm 2011 tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản là 18,55%.

 

Hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các TCTD là chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010: ROA đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, các chỉ số này của năm 2010 (lần lượt là 1,29% và 14,56%).

 

So sánh 2 chỉ số này của ngành ngân hàng với 10 ngành khác cho thấy ROE của ngành ngân hàng ở mức trung bình (thứ 6/10) và ROA ở mức thấp nhất. So với hoạt động ngân hàng các nước trong khu vực và thế giới, chỉ số ROE của các ngân hàng khu vực Đông Nam Á là từ 14%-15% và thế giới thường ở mức 17%.

 

Thứ hai, có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận giữa các Ngân hàng Việt Nam. Lợi nhuận của hệ thống tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn. Trong khi nhiều TCTD thuộc nhóm có quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.

 

Thứ ba, số liệu lợi nhuận của các TCTD tại thời điểm 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí của TCTD.

 

Theo quy định hiện hành, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của NHNN được thực hiện theo quý, riêng đối với quý IV, trong thời hạn làm việc 15 ngày của tháng 12. Như vậy, phần chi phí tại thời điểm 31/12/2011 chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.

 

Số liệu theo dõi của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho thấy, số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã liên tục tăng lên, đặc biệt là các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Điều này thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh của hệ thống các TCTD những tháng đầu năm 2012 có xu hướng giảm sút, thể hiện qua chênh lệch thu nhập - chi phí lũy kế đến 30/4/2012 của toàn hệ thống TCTD chỉ đạt ở mức rất thấp và giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2011 trong đó, riêng tháng 4, toàn hệ thống có chênh lệch thu chi âm.

 

Bên cạnh đó, các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới chỉ bao gồm các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng.

 

Quy định hiện hành về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng cho phép khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản khi trích dự phòng là 50%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh và suy giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi giá trị bảo đảm là bất động sản không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản chưa sát với thực tế.

 

Một số TCTD lại hạch toán các khoản có tính chất cấp tín dụng vào các tài khoản khác, ví dụ tài khoản phải thu, mua trái phiếu doanh nghiệp và từ đó thực hiện việc trích lập dự phòng không đầy đủ...

 

Những vấn đề trên đã góp phần làm cho số liệu lợi nhuận công bố của các TCTD chưa phản ánh đầy đủ và chính xác thực trạng kết quả kinh doanh.

 

Thứ tư, các yếu tố khác góp phần làm tăng lợi nhuận năm 2011. Ngoài những yếu tố trên đây, đóng góp vào tăng lợi nhuận của các TCTD trong năm 2011 còn có các yếu tố như các TCTD đã mở rộng thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm mới như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại, dịch vụ gửi giữ, kinh doanh ngoại hối..., góp phần tăng lợi nhuận, tổng thu dịch vụ năm 2011 toàn hệ thống đã tăng 15% so với năm 2010.

 

"Nhìn chung xu hướng lợi nhuận năm 2011 của các TCTD tăng phù hợp với quy mô tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu, khả năng trình độ quản trị điều hành của từng TCTD và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy là trong xu hướng chung đó có những nội dung rất cần được lưu ý như đã đề cập và do đó cần có những đánh giá đầy đủ, khách quan về các con số lợi nhuận được các ngân hàng công bố", báo cáo cho biết.

 

Theo NHNN, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro của các TCTD đang được nghiên cứu sửa đổi, những bất cập trong quy định hiện hành trên đây sẽ được khắc phục và loại bỏ, lúc đó số liệu về lợi nhuận của các TCTD sẽ được phản ánh đầy đủ và chính xác hơn./.