Người có “duyên” với chim bồ câu

11:05, 01/06/2012

Ở xã vùng cao Phượng Tiến (Định Hoá), mô hình nuôi chim bồ câu của Phó Bí thư đoàn xã Mông Văn Tiến, dân tộc Tày, sinh năm 1982 khiến nhiều người dân không khỏi thán phục, dẫu rằng, mô hình kinh tế này mới bước đầu mang lại hiệu quả. Anh Tiến cho biết, với hơn 70 cặp chim bố mẹ hiện nay, trong thời gian tới, anh sẽ phát triển theo mô hình kinh tế trang trại.

Ý tưởng nuôi chim bồ câu đến với Tiến thật tình cờ. Đó là vào năm 2006, trong một lần đi chơi cùng bạn vào quận Tân Bình (T.P Hồ Chí Minh) thấy có một gia đình nuôi chim bồ câu quy mô lớn. Tuy không được vào xem trực tiếp (chủ nhà sợ đàn chim mắc bệnh) nhưng anh cảm nhận rõ, hiệu quả của việc nuôi chim là rất đáng kể. Ngay lúc đó, anh đã bắt đầu có ý thức thu thập tài liệu có liên quan đến việc nuôi loại chim này. Năm 2009, do hoàn cảnh gia đình, anh đã từ bỏ công việc lái xe công-ten-nơ tuyến Hải Phòng - Đà Nẵng để về sống cùng bố mẹ (anh là con trưởng, lại là con trai duy nhất của gia đình). Gần 100 triệu đồng tích góp được sau nhiều năm lao động nơi đất khách, anh đã thuê máy về đào ao thả cá và xây tường rào bao quanh toàn bộ khu vườn. Ban đầu, anh nuôi gà. Do chưa có kinh nghiệm nên sau 2 lứa nuôi, đàn gà gần 500 con của anh bị nhiễm cúm H5N1. Lần đó, anh lỗ hơn 10 triệu đồng. Thấy không có “duyên” với gà, anh đã chuyển sang nuôi chó thịt. Cùng với việc nuôi chó cái để đẻ con, anh mua thêm chó con về nuôi. Có lúc nhiều, anh nuôi hơn 20 con (chia thành nhiều lứa). Sau 6-7 tháng nuôi, mỗi con chó đạt được trọng lượng trung bình từ 14-15kg/con, với giá bán 45 nghìn đồng/kg hơi. Trừ chi phí, mỗi con, anh lãi khoảng 500-600 nghìn đồng. Anh cho biết: Nuôi chó khá hiệu quả. Thức ăn chỉ là cám ngô, thân cây chuối, ít cá mắm, cơm nguội được nấu lên như cám chăn lợn. Tuy nhiên, vào mùa đông, chó hay ốm nên mỗi năm, anh chỉ nuôi được 1 lứa vào mùa hè. Hơn nữa, do chưa quy hoạch được chỗ nuôi nên môi trường sống của gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, sau vài lứa nuôi, tôi đã tạm dừng.

 

Tháng 11-2010, anh Tiến xây dựng gia đình. Vợ anh là cán bộ nông nghiệp của xã. Lúc này, anh cũng vừa được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Để không làm ảnh hưởng đến công việc mà vẫn có thu nhập từ phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2011, anh quyết định nuôi chim bồ câu. Với những kiến thức đã tìm hiểu được về loại vật nuôi này, anh về tận Bắc Giang và Hải Dương để chọn con giống. Anh chọn được 15 đôi chim bánh tẻ (được 2 tháng tuổi) có lông bụng mượt, dày, nhanh nhẹn, đuôi nhọn (đối với chim cái) về gây giống. Sau khoảng 4-5 tháng, chim bắt đầu đẻ. Số chim được đẻ ra, những con tốt được anh giữ lại để gây giống. Ban đầu, anh nuôi nhốt nên đàn chim thường bị bệnh thương hàn và phân xanh. Vì thế, anh đã thay đổi sang cách nuôi thả. Nhờ đó, đàn chim của anh có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc bệnh hơn. Anh cho biết: Nuôi chim bồ câu khá nhàn. Mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 lần (sáng, trưa), mỗi lần mất khoảng 30 phút. So với gà thì chim ít bị mắc bệnh hơn. Thức ăn của chim chủ yếu là ngô hạt, thỉnh thoảng cho ăn thóc, gạo và bổ sung thêm cám gà. Chi phí đầu tư nuôi cũng không quá lớn. Trung bình mỗi năm, chim đẻ 8-9 lứa, mỗi lứa thường được 2 quả trứng (1 đực, 1 cái). Sau 6-7 tháng nuôi là được xuất chuồng. Giá bán loại chim này trên thị trường những năm gần đây khá cao, ổn định và lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm. Hiện, đang ở mức 450 nghìn đồng/cặp chim giống bố mẹ; 120-150 nghìn đồng/đôi chim thịt. Anh đang có trên 70 đôi chim giống, trong đó có hơn 50 đôi chim giống Pháp, 10 đôi chim lai và hơn 10 đôi chim bồ câu ta. Và theo cách tính toán của anh, chỉ với 50 đôi chim bố mẹ, người nuôi đã có khoản thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ mọi chi phí). Với những ưu điểm này, anh Tiến dự kiến, trong thời gian tới sẽ tăng số lượng chim bồ câu lên khoảng 300 đôi và quy hoạch lại chuồng trại để nuôi chó thịt. Với những kiến thức tích lũy được qua sách, báo và thực tế nuôi, anh Tiến luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có nhu cầu tìm hiểu về chim bồ câu.