Nông dân vào vụ mới

07:46, 28/06/2012

Mùa này, đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người nông dân cần mẫn gặt lúa xuân, làm đất gieo cấy lúa mùa. Chị Dương Thúy Giản, một người dân ở xóm Na Thức, xã Phú Lạc (Đại Từ) cho biết: Thu hoạch lúa xuân đến đâu, chúng tôi phải làm đất cấy lúa vụ mùa đến đó cho kịp khung thời vụ.

Vụ mùa này được đánh giá là có nhiều thuận lợi bởi giá giống lúa, phân bón khá ổn định; nguồn nước phục vụ làm đất, cấy lúa cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các địa phương đã chỉ đạo người dân chủ động tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương, công trình thuỷ lợi để bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho sản xuất vụ mùa.

 

Theo kế hoạch, năm nay Thái Nguyên sẽ gieo cấy 39.900ha lúa mùa, tăng 400ha so với vụ mùa năm ngoái, năng suất phấn đất đạt 50 tạ/ha. Trong đó, diện tích gieo cấy lúa lai là 5.000ha, lúa thuần cao sản là 8.000ha. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến nay toàn tỉnh đã làm đất được khoảng 50-60% diện tích, tập trung chủ yếu ở các địa phương thuận lợi về nước tưới như: Các huyện Phổ Yên, Phú Bình, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên.

 

Nhằm đảm bảo khung thời vụ gieo cấy lúa mùa, bà con đã bắt đầu gieo mạ phục vụ cấy lúa mùa sớm từ ngày 25-5 và sẽ hoàn thành gieo cấy trong tháng 6. Với trà lúa chính vụ, gieo mạ từ ngày 10 đến 20-6, kết thúc gieo cấy vào ngày 10-7. Trà lúa mùa muộn gieo mạ từ ngày 5 đến 15-6 và kết thúc cấy trước ngày 20-7… Theo đó, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ cho sản xuất lúa mùa với mức 15.000 đồng/sào lúa lai.

 

Vụ xuân đã giành thắng lợi, tuy nhiên, vụ mùa năm nay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bù sản lượng lương thực (9.200 tấn) thiếu hụt trong vụ đông năm 2011. Bởi vậy, để đạt mục tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đã đề ra, công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở, phản ánh kịp thời diễn biến của thời tiết, tình hình sản xuất, cơ chế chính sách để nhân dân biết và thực hiện. Các huyện, thành, thị cũng đã phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo từng xã, thường xuyên kiểm tra thực tế sản xuất để tham mưu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo địa phương; yêu cầu cán bộ khuyến nông tăng cường hướng dẫn nông dân làm đất, cấy lúa đúng kỹ thuật...

 

Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Để phòng hiện tượng ngộ độc hữu cơ làm thối rễ lúa mới cấy (thường gặp giai đoạn sau cấy ở vụ mùa), trong khâu làm đất bà con cần chú ý cày vùi sâu gỗ rạ để tăng khả năng phân huỷ, tránh cho lúa mới gieo cấy bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện thời tiết nắng nóng đầu vụ. Tăng cường chăm sóc, gieo mạ tập trung, cùng thời vụ để tiện cho việc phun phòng trừ rầy trên mạ trước khi xúc cấy, đảm bảo 100% mạ được phun phòng trừ rầy và phòng trừ các bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá hại lúa…

 

Vụ mùa này, việc bố trí cơ cấu trà lúa được các địa phương chú trọng, phấn đấu để cơ cấu chung toàn tỉnh đạt trên 60-65% diện tích trà mùa sớm, còn lại là trà mùa trung và mùa muộn. Theo đó, việc đưa các loại giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo cấy cũng được đẩy mạnh. Đối với giống lúa thuần, chủ yếu là: HT1, ĐB6, Khang dân đột biến, SH14, HT6; lúa lai, tập trung gieo cấy Syn6, Bio 404, VL20, TH 3-3, Nhị ưu 838…, giảm tối đa diện tích lúa Khang dân 18. Việc các hộ dân mở rộng tối đa diện tích thâm canh lúa cải tiến, làm mạ khay; gieo thẳng (gieo vãi hoặc gieo bằng công cụ sạ hàng) trên chân đất chủ động tưới tiêu cũng được các địa phương khuyến khích.

 

Riêng với ngành Nông nghiệp và PTNT, luôn khuyến cáo nông dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, bón đủ lượng và cân đối phân NPK; tăng cường áp dụng quy trình bón phân NPK khép kín; đẩy mạnh sử dụng các loại phân bón lá nhất là giai đoạn sau cấy 7-10 ngày và giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng. Vụ mùa thường xảy ra ngập úng và xuất hiên nhiều sâu bệnh, vì vậy Ngành cũng đã yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất; chủ động xây dựng kế hoạch tưới tiêu; các phương án phòng, chống, khắc phục hạn hán, ngập úng có thể xảy ra ở cơ sở…