Tái cơ cấu ngành ngân hàng: Điều chỉnh toàn diện hệ thống

10:00, 10/06/2012

 Để tái cơ cấu (TCC) hệ thống ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng đầu tiên là phải "tẩy" sạch nợ xấu. Tiếp theo là phải có các chiến lược trung và dài hạn để thiết lập lại trật tự trong ngành ngân hàng hiện đang lộ nhiều bất cập do tăng trưởng nóng trong thời gian qua.

Mua nợ xấu theo cơ chế thị trường

 

TS Phạm Hữu Hồng Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính -  Marketing (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sự tăng trưởng nhanh của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trong những năm gần đây đã dẫn đến những bất cập về năng lực tài chính, chất lượng tín dụng… Bên cạnh đó, cấu trúc sở hữu còn chồng chéo, phức tạp tạo ra các liên minh ngân hàng (NH) khiến vấn đề quản lý nhà nước khó khăn và phức tạp, dẫn đến nhiều hệ lụy. Sự hỗ trợ cho vay lẫn nhau, hỗ trợ về thanh khoản tín dụng của các liên minh NH với mối quan hệ chằng chịt là những tiềm ẩn rủi ro dẫn đến vấn đề nợ xấu khó đòi…

 

Trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 7-6, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu toàn hệ thống NH đã tăng từ 6% lên 10%. Nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng hạn chế gây ra sự gia tăng rủi ro tín dụng, chất lượng tài sản của hệ thống NH. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để TCC ngành NH thì đầu tiên là phải giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này như thế nào? Hiện đang có phương án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia trị giá khoảng 100.000 tỷ đồng để xử lý khoản nợ xấu theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng và tạo ra lượng vốn cần thiết cho nền kinh tế. Ông Đặng Đức Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Căn nhà Ước mơ (Dream House), cựu thành viên ban kiểm soát một NHTM lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phân tích tại sao có nợ xấu mới tháo gỡ, vì nếu lập công ty mua nợ xấu mà không biết chính xác nguyên nhân thì sẽ đi vào vết xe cũ. Ông Thành cũng cho rằng, nguồn gốc nợ xấu là từ bất động sản (BĐS), tuy nhiên nảy sinh nợ xấu là cái sai của cả hai bên. Phía doanh nghiệp (DN) không đủ khả năng đầu tư cũng ào ào đầu tư vào BĐS; trong khi đó phía NH cũng phá vỡ quy định của ngành, cho vay đến mấy mươi lần vốn điều lệ công ty trong khi theo quy định thì không được cho vay quá 3 lần.

 

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) đề nghị, không phải cứ nợ xấu là mua lại mà Nhà nước phải mua theo cơ chế thị trường. Đó là phân tích từng món nợ xấu, phân loại và có giá mua trên cơ sở đó. Quá trình mua nợ cần tiến hành sòng phẳng giữa NH, DN và công ty mua bán nợ. Nếu DN có phương án tốt để hoạt động trở lại, công ty mua bán nợ có thể mua giá cao để bán được với giá cao hơn, đem lại khoản lời cho Nhà nước…

 

Cần tầm nhìn trung và dài hạn

 

Ông Lương Văn Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đại Nam Long (DNL Partners) cũng cho rằng, cần phân định rõ các giải pháp cấp bách và các giải pháp trung, dài hạn trong TCC ngành NH. Giải quyết nợ xấu là giải pháp cấp bách, còn giải pháp trung và dài hạn là phải chỉnh đốn, lập lại trật tự trong hệ thống NH, đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng công nghệ tiên tiến. Theo ông Lý, ở Việt Nam hiện có quá nhiều NH so với đòi hỏi của nền kinh tế. Đã có thời gian NH được thành lập "như nấm sau mưa", không ít nhân viên của một số NH không đủ năng lực đáp ứng công việc. Ví dụ như quy trình thẩm định dự án BĐS cần kỹ càng nhưng người thẩm định lại bỏ qua vì không có chuyên môn.

 

Tuy nhiên, PGS-TS Đào Duy Thanh cho rằng, vấn đề không hẳn từ trình độ nhân viên vì các NH đều có chương trình đào tạo rất tốt. Theo ông, "quy trình thẩm định cho vay vô cùng chặt chẽ, con kiến không qua lọt, thế nhưng con voi lại chui qua lọt là bởi vì vấn đề đạo đức, vấn nạn phong bì". Ông Thanh cũng cho rằng, nợ xấu là bề nổi chứ không phải bản chất, vậy nên sau nợ xấu phải TCC về nhận thức và NH phải tự đánh giá lại thế mạnh, yếu của mình, có chiến lược kinh doanh hợp lý và bền vững để phát triển.

 

Một trong những phương án TCC là mua bán sáp nhập các NH. Theo ông Trần Quốc Mạnh, nên chọn phương án NH tốt mua NH yếu kém, chứ nếu sáp nhập các NH yếu kém lại với nhau thì bản thân từng NH vốn đã ít, năng lực quản trị yếu… cộng lại càng yếu hơn. Còn bà Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và chính sách (Bộ Tài chính) cho rằng, do có sở hữu chéo giữa các NH nên khi TCC một NH thì sẽ ảnh hưởng lan tỏa đến thị trường. Vì vậy, một trong những thách thức của TCC NHTM hiện nay là tính an toàn hệ thống. Vậy nên phải đặt ra yêu cầu là vừa phải điều chỉnh hệ thống theo hướng tích cực hiệu quả hơn và phải bảo đảm an toàn hệ thống khi thực hiện TCC.