Tiếp cận lãi suất 15%/năm không khó

11:35, 01/06/2012

Ngày 4-5-2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã có Thông tư số 14 có hiệu lực từ ngày 8-5-2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam(ĐVN) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó,  lãi suất cho vay ngắn hạn bằng ĐVN đã giảm xuống còn 15%/năm được áp dụng cho các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng xuất khẩu; phục vụ SXKD của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNNVN, Chi nhánh Thái Nguyên: “Sau khi có Thông tư, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) tỉnh là đơn vị triển khai sớm nhất”. Từ thông tin này, chúng tôi đã làm việc với Chi nhánh NHNo tỉnh và được biết: Hiện tại Chi nhánh đang có 700 DN vừa và nhỏ đang quan hệ tín dụng với ngân hàng. Song, đến thời điểm này cũng chỉ có trên 100 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với lãi suất trên, Chi nhánh xem xét thấy đủ điều kiện đều cho vay, chưa từ chối doanh nghiệp nào đủ điều kiện”.

 

Làm việc tại Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên- một trong những DN vừa và nhỏ được NHNo tỉnh triển khai cho vay với lãi suất 15%/năm ngay buổi sáng ngày 8-5, ngày đầu tiên các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất theo Thông tư 14. Được biết, Công ty có nhiệm vụ chủ yếu là thu mua gạo để cung ứng xuất khẩu (mặt hàng này chiếm từ 65% đến 70% tổng doanh thu). Những năm trước, việc kinh doanh thuận lợi hơn do sức mua của thị trường tốt. Nhưng từ đầu năm đến nay, sức mua giảm nên mặc dù Ngân hàng liên tục giảm lãi suất, trước ngày 8-5, Công ty đang vay ở mức lãi suất 17,5%/năm, là mức vay khá thấp so với một số ngân hàng khác, song do tốc độ mua bán chậm, vòng quay vốn chậm, nên mức lãi suất trên vẫn còn cao. Ngay sau khi có thông tin Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất xuống 15% /năm Công ty đã nhanh chóng làm thủ tục và được NHNo tỉnh chấp thuận cho vay gần 12 tỷ đồng. Nếu theo hạn mức thì Công ty chưa sử dụng hết, vì nhu cầu sử dụng vốn còn phụ thuộc vào tiêu thụ hàng hóa. 

 

Tiếp cận với Công ty cổ phần Kim khí Bắc Thái, ông Văn Tiến Đức, Giám đốc Công ty cũng rất phấn khởi cho biết: Công ty đang kinh doanh một số mặt hàng chủ lực như phôi, thép, xăng dầu, xi măng và sản xuất mặt hàng gang xuất khẩu. Các mặt hàng trên đều đang trong tình trạng tiêu thụ rất khó khăn. Đến thời điểm này, lượng thép tồn kho của Công ty quá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá thép liên tục “rớt giá”, trong tháng tháng 5-2012 đã xuống từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/tấn. Mặt hàng xăng dầu kinh doanh thua lỗ do được hưởng hoa hồng thấp nhưng Công ty vẫn phải duy trì vì đây là mặt hàng chính sách. Hiện tại, Công ty chỉ còn trông vào mỗi mặt hàng gang xuất khẩu là tương đối khả quan. Vốn điều lệ của Công ty có 10 tỷ đồng nhưng nằm hết ở tài sản cố định, 90% vốn hoạt động đều trông vào vốn vay ngân hàng (10% vay của cán bộ, công nhân viên). Vì vậy, việc ngân hàng giảm lãi suất xuống 15%/năm sẽ có ý nghĩa rất lớn với những đơn vị như Công ty. Năm 2012 Công ty được NHNo tỉnh chấp nhận hạn mức tín dụng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ hàng hóa khó khăn nên thường xuyên đơn vị chỉ sử dụng đến 60% hạn mức tín dụng. Khi ngân hàng giảm lãi suất, Công ty cũng đã được vay 20 tỷ đồng với lãi suất này. Ông Văn Tiến Đức kiến nghị: Việc ngân hàng giảm 15%/năm cũng là một động thái tích cực giúp cho các DN giảm bớt khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang như những cơ thể ốm yếu quá nặng, giải pháp trên chỉ là “toa thuốc” quá nhẹ khó chữa khỏi bệnh, nhất là đối với những DN đang có nguy cơ phá sản nên tác động chưa lớn. Nên chăng Nhà nước tiếp tục xem xét giảm lãi suất xuống 3-5% nữa thì mới là liều thuốc hữu hiệu đối với các doanh nghiệp đang thua lỗ nặng.

 

Vốn được ví như mạch máu của các DN. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ (lại đang chiếm đến trên 90% tổng số doanh nghiệp) đang gặp khó khăn vì thiếu vốn. Nhà nước đang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn này, trong đó có gói giải pháp về hạ lãi suất cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được vay với lãi suất thấp như vậy. Vì Thông tư đã quy định rõ đối tượng được hưởng lãi suất này. Còn ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNo tỉnh khẳng định: “Ngân hàng không khó khăn gì với DN mà còn mong DN được vay vốn nhiều hơn. Song DN phải đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định (trong đó yếu tố quan trọng là có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có tín nhiệm với ngân hàng), vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp hoạt động mang tính đặc thù (kinh doanh tiền tệ). Vì vậy, ngân hàng phải “trông giỏ bỏ thóc”, DN có “quá ốm yếu” thì ngân hàng cũng không thể “giải cứu” được. Nếu cho vay không đúng nguyên tắc, thì chính ngân hàng cũng sẽ  “chết” theo DN. Chúng tôi cũng rất mong các khách hàng chia sẻ với ngân hàng điều này, vì, nguồn vốn của ngân hàng cũng “đi vay để cho vay”, trong khi lãi suất huy động đã hạ (từ 14%/năm xuống còn 11%/năm), ngân hàng vẫn phải tiếp tục trả lãi suất 14%/năm cho các khách hàng gửi tiền khi chưa đến kỳ hạn rút; nhưng ngân hàng vẫn nhanh chóng triển khai thực hiện cho vay với lãi suất mới 15%/năm theo đúng quy định để góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Bá Hoan, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên: “Với lãi suất 15%/năm, chúng tôi rất phấn khởi, vì các doanh nghiệp đang trong thời kỳ khó khăn, việc hạ lãi suất sẽ góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp”

 

Tính đến ngày 29-5, đã có 3.879 khách hàng được vay với số tiền trên 593  tỷ đồng. Trong đó có trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện đã tiếp cận được với nguồn vốn có mức lãi suất 15%/năm.