Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sau đợt giảm ngày 11/6, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng sẽ được ổn định ở mức 9% cho tới cuối năm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng từ nay đến cuối năm, con số này có thể giảm tiếp 2-3%.
Theo đó, trần lãi suất huy động VND giảm xuống 9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ngân hàng được tự ấn định; trần lãi suất cho vay VND với 4 nhóm đối tượng xuống theo; các lãi suất điều hành tiếp tục giảm… Loạt điều chỉnh này sẽ tác động đến các dòng vốn, đến các quan hệ tín dụng, đến tỷ giá USD/VND và cả yếu tố niềm tin, kỳ vọng của thị trường.
Điểm nổi bật trong lần hạ lần này là cơ quan chủ quản ngành ngân hàng hạ mạnh trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng 2% so với mức hạ chỉ 1% các lần trước. Với mức hạ này, từ 11/6, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 9%/năm, trần lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ còn 2%/năm.
Một điểm đáng chú ý khác là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định bỏ trần lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và để các ngân hàng thương mại tự ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Với trần lãi suất cho vay, NHNN hạ 1%, từ cao nhất 14%/năm với một số ngành, lĩnh vực kinh tế xuống còn 13%/năm.
NHNN cũng hạ 1% với các lãi suất điều hành khác, trong đó, lãi suất tái cấp vốn xuống còn 11%/năm; lãi suất tái chiết khấu còn 9%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng còn 12%/năm.
Tuy quyết định hạ lãi suất có hiệu lực từ 11/6 nhưng ngay từ 7/6, nhiều ngân hàng như Citibank Việt Nam, HSBC, ANZ… đã sớm có động thái hạ sớm lãi suất huy động với lãi suất cao nhất chỉ từ 8,45% đến 9,5%/năm. Với ngân hàng trong nước, ngày 7/6, Vietcombank cũng hạ lãi suất huy động xuống cao nhất còn 10,5%/năm...
Trong một diễn biến liên quan, ngay khi thông tin hạ trần lãi suất được đưa ra, nhiều người dân đã đến ngân hàng đổi sổ tiết kiệm sang kỳ hạn dài hơn nhằm hưởng lãi suất cao dù phải chấp nhận mức lãi suất không kỳ hạn với khoảng thời gian gửi trước đó.
Bên cạnh đó, trước hiện tượng tiền gửi tăng, một ngân hàng ngày 8/6 đã đưa ra cảnh báo với hệ thống nội bộ về các khoản tiền gửi lớn bất thường. Ngân hàng này lo ngại việc có thể gặp những khoản tiền gửi lớn từ chính các tổ chức tín dụng khác khi lãi suất sắp giảm mạnh.
Sẽ giữ ổn định lãi suất 9% từ nay tới cuối năm?
NHNN tuyên bố sau đợt giảm ngày 11/6, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng sẽ được ổn định cho tới cuối năm.
Tuyên bố này được đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong cuộc trao đổi cuối tuần qua, sau khi cơ quan điều hành có quyết định chính thức về việc hạ trần lãi suất huy động về 9% kể từ 11/6. Đây là lần thứ 4 trong vòng gần 3 tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước lần lượt hạ mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi, với tổng mức giảm lên tới 5%.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, lãi suất huy động hiện nay đã đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của người gửi tiền cũng như người đi vay, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng xuống thấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định lãi suất tới cuối năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thể lường trước, không phải chịu các cú sốc về mặt tài chính và cũng tránh tình trạng kỳ vọng để đầu cơ tỷ giá.
Theo ông Lê Minh Hưng lãi suất hiện nay là phù hợp trong điều kiện cầu cầu thế giới rất thấp, tác động nhất định tới các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Do vậy, hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, vừa phải đảm bảo tuân theo lạm phát mục tiêu - dự kiến năm nay là 7-8%. Với mức lạm phát như vậy, trần huy động nay nay đủ đảm bảo cho người gửi tiền hiện nay có được lãi suất thực dương. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết giữ tỷ giá năm nay dao động không quá 3%.
Hay “có thể tiếp tục hạ”?
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn- Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital, lãi suất cân bằng của kinh tế Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức 9% hiện tại. Do đó, từ nay đến cuối năm, con số này có thể giảm tiếp 2-3%.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, lãi suất liên ngân hàng đã ở mức rất thấp trong 3 tuần vừa qua, trong đó lãi suất qua đêm ở mức 1-1,5%, một tuần là 2-2,5% và một tháng là 4-4,5%. Lãi suất liên ngân hàng đã thấp như vậy thì nếu có giảm thêm 2% có lẽ cũng không khiến thị trường bị sốc.
Tiến sĩ Tuấn cũng cho rằng, để cân bằng lãi suất thực của nền kinh tế Việt Nam, lãi suất huy động phải thấp hơn mức 9% hiện tại khá nhiều. Tuy nhiên, do hệ thống và cơ cấu huy động - cho vay của ngành ngân hàng đã làm cho lãi suất xuống rất chậm. Tôi không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ còn phải giảm thêm khoảng 200-300 điểm (2-3%) các lãi suất điều hành như OMO, tái cấp vốn… từ đây đến cuối năm.
Trong một báo cáo vừa ra, ngân hàng HSBC cũng cho rằng, với áp lực lạm phát tiếp tục suy yếu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2% trong những tháng tới.
Theo nhận định của HSBC, động thái cắt giảm lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày thứ Sáu tuần trước không nằm ngoài dự đoán, xét tới việc dư nợ tín dụng tiếp tục suy giảm trong thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 4. Bên cạnh đó, lạm phát cũng liên tục đi xuống từ tháng 9 năm ngoái và được dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Theo ngân hàng này, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay của Việt Nam có vẻ như đến quá sớm, “nhưng với sự giảm tốc nhanh của lạm phát và các điều kiện tín dụng vẫn còn thắt chặt, thì động thái này là phù hợp”.
HSBC dự báo, với lãi suất giảm xuống, các hoạt động kinh tế của Việt Nam có thể sẽ sôi động hơn trong quý 3 và 4 năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được HSBC dự báo sẽ chỉ ở mức khoảng 13% trong năm nay, so với mức trung bình dưới 30% trong 5 năm qua./.