Cảnh báo nguy cơ mất an toàn tài chính

08:20, 20/07/2012

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố cho thấy, năm 2010, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của 19/21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) được kiểm toán có lãi, qua đó đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, những sai phạm về tài chính vẫn diễn ra tại khối này. 11/21 DNNN được kiểm toán có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất lớn. Theo KTNN, những "lỗ hổng" trong quản lý tài chính sẽ khiến những DN được coi là "đầu tàu" kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an toàn, mất cân đối tài chính.

  

11 "đầu tàu" kinh tế ngập trong vay, nợ

 

Với vai trò định hướng thị trường, nắm giữ những lĩnh vực kinh tế trọng yếu, DNNN luôn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Báo cáo do KTNN thực hiện cho thấy, năm 2010, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi như: Lãi suất ngân hàng tăng mạnh, lạm phát cao và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, song đa số DNNN được kiểm toán vẫn làm ăn có lãi. Đơn cử, lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 9.127 tỷ đồng và 34,54%; Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD): 2.167 tỷ đồng và 27,31%; Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam: 1.166 tỷ đồng và 14,71%... Tuy nhiên, hoạt động quản lý tài chính tại khối này vẫn tồn tại nhiều "lỗ hổng", gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN). Từ báo cáo tài chính năm 2010 của 21 DNNN, KTNN đã điều chỉnh tổng tài sản - nguồn vốn giảm 8.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu - thu nhập thuần của các DN giảm 240 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 6.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 7.116 tỷ đồng. Đặc biệt, thuế và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 937,8 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tổng tài sản - nguồn vốn giảm 7.789,9 tỷ đồng, tổng doanh thu -thu nhập thuần tăng 32,9 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 7.786 tỷ đồng và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 102 tỷ đồng…

 

KTNN cũng chỉ ra nguy cơ mất an toàn tài chính khi kiểm toán báo cáo tài chính của nhiều DNNN. Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy với lợi nhuận sau thuế năm 2010 lỗ 76,440 tỷ đồng, lỗ lũy kế 890,308 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 586,321 tỷ đồng. 11/21 DNNN kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao, dẫn tới nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính. Tình trạng này diễn ra ở Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, với tỷ lệ nợ vốn chủ sở hữu gấp 9,19 lần, Tổng Công ty Xây dựng phát triển hạ tầng: 4,79 lần, Tập đoàn EVN: 3,83 lần... Một số DNNN còn huy động sử dụng vốn sai mục đích dẫn tới mất cân đối lớn về nguồn vốn. Đơn cử năm 2009-2010, Công ty Điện lực Hải Phòng huy động và sử dụng vốn sai mục đích, phát sinh vượt so với kế hoạch nên không cân đối được nguồn vốn 300 tỷ đồng. Đến hết tháng 12-2010, số tiền mất cân đối của đơn vị này là 191 tỷ đồng. Bên cạnh việc hoạt động dựa vào vốn vay, vốn chiếm dụng, tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn, nợ khó đòi của DNNN phát sinh rất lớn. Số nợ phải thu của 21 đơn vị là 56.656 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng tài sản và 36,09% vốn chủ sở hữu.

 

Thất thoát vốn nhà nước tại nhiều tổ chức tín dụng

 

Trong bối cảnh Chính phủ tích cực thực hiện những bước chuẩn bị quan trọng nhằm khởi động đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, việc minh bạch hóa tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng (TC-NH) và giải quyết những khoản nợ xấu được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC), đơn vị được đề xuất đóng vai trò chủ đạo tái cơ cấu nợ xấu của nền kinh tế lại xảy ra tình trạng "không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua bán nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc cho DN". Cụ thể, nguồn vốn, quỹ của DATC đến 31-12-2010 là trên 2.616 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn để mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc DN chỉ chiếm 47,23%, tương đương 1.235,88 tỷ đồng. Số tiền DATC gửi ngân hàng (Công ty cho thuê tài chính 2 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-ALCII) chiếm tới 48,61%, tương đương với 1.272 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn, gửi tiền và cho vay không đúng nhiệm vụ đã dẫn tới hệ quả, DATC sử dụng vốn đạt hiệu quả thấp, thanh khoản kém. DATC gửi tiền tại ALCII 110 tỷ đồng, nhưng đến 31-12-2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm, DATC chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước trên 70 tỷ đồng.

 

Tại các tổ chức TC-NH, KTNN cũng phát hiện nhiều sai sót trong hoạt động của các NH quốc doanh lớn. Sai phạm nhiều NH mắc phải là gia hạn nợ không đúng quy định. Có khoản vay thời hạn 90 ngày nhưng được gia hạn đến lần thứ 4, làm thời gian vay kéo dài 389 ngày. Trong khi đó, theo quy định, thời gian cho vay không được quá một năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu tiên. Riêng NH Phát triển Việt Nam (VDB), năm 2010 đã cho vay thương mại ngoài các chương trình được Nhà nước cho phép và kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng.

 

Từ kết quả kiểm toán năm 2011 với niên độ ngân sách năm 2010, KTNN đã kiến nghị Quốc hội xử lý tài chính 21.765,5 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu NSNN là 3.207,9 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.199,2 tỷ đồng… Kết quả này sẽ góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa công tác thu, chi NSNN, tạo tiền đề quan trọng nhằm thực hiện đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc đổi mới công tác giám sát quản lý vốn nhà nước tại DN.