Khó khăn trong ngành Công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ 3 doanh nghiệp tiêu biểu

08:05, 12/07/2012

Ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công và Công ty CP Cơ khí Phổ Yên vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trên lại đang gặp khó.

Năm 2011, giá trị sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công đạt 460 tỷ đồng, vượt 6% so với năm trước, tổng doanh thu đạt 550 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2006-2010 của đơn vị đạt 31%. Lợi nhuận sau thuế năm 2011 được khoảng 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5 triệu đồng/tháng. Bước vào đầu năm 2012, tình hình sản xuất của Công ty vẫn đạt mức tăng trưởng cao, nhưng khoảng hơn ba tháng gần đây một loạt các chỉ số sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã bị sụt giảm mạnh. Thời gian trước, Công ty có tới 8 sản phẩm sản xuất chính gồm: Động cơ D50, động cơ TS60, D165, máy thuỷ các loại, hộp số, phụ tùng động cơ, phôi trục khuỷu Honda, thép cán, thép thỏi, nhưng hiện nay chỉ còn sản xuất một loại sản phẩm.

 

Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Công ty sản xuất được trên 216 nghìn chiếc trục khuỷu xe Honda, chỉ bằng 63% so với tháng trước. Cũng trong tháng này, Công ty chỉ tiêu thụ được trên 186 nghìn sản phẩm. Tính đến hết tháng 5, đơn vị còn để tồn kho hơn 526 nghìn sản phẩm (tháng 4 để tồn kho gần 500 nghìn sản phẩm). Như vậy, giá trị sản xuất tháng 5 của Công ty chỉ đạt hơn 35 tỷ đồng, bằng 70,2% so với tháng trước. Theo lãnh đạo Công ty này thì trong tháng 6 và khả năng một vài tháng tiếp theo giá trị sản xuất của đơn vị sẽ còn tụt giảm, lượng tồn kho sẽ còn ở mức cao. Lý do chính được xác định là bởi bên A, bên hợp đồng nhận tiêu thụ sản phẩm cho Công ty đang gặp nhiều khó khăn nên đã hạn chế số lượng nhập phụ tùng. Ví dụ, Công ty Honda Việt Nam, do tình hình tiêu thụ các loại xe máy, ô tô mấy tháng gần đây giảm mạnh nên thay vì nhập phụ tùng mỗi tháng trung bình từ 250 đến 300 nghìn sản phẩm từ Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công thì nay giảm xuống từ 30% đến 50%.

 

Tình hình sản xuất ở 2 đơn vị tiêu biểu còn lại là Công ty CP Phụ tùng máy số 1 và Công ty CP Cơ khí Phổ Yên cũng chịu sự ảnh hưởng tương tự làm sụt giảm một lượng lớn sản phẩm, gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp. Tháng 5-2012, giá trị sản xuất của Công ty CP Phụ tùng máy số 1 chỉ đạt hơn 37 tỷ đồng, giảm tới 21,9 tỷ đồng so với tháng trước. Trong tháng 6, giá trị sản xuất cũng chỉ đạt mức 33 tỷ đồng, dự kiến trong hai tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm. Đối với Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, tháng 5, giá trị sản xuất cũng giảm khoảng 23% so với tháng trước. Tháng 6, giá trị sản xuất tiếp tục giảm. Thông tin từ Công ty cho biết, đã có lúc đơn vị phải cho công nhân nghỉ cả tuần để chờ việc. Mặc dù giá trị sản xuất mấy tháng đầu năm tăng khá cao, song do sụt giảm mạnh ở khoảng thời gian gần đây nên sơ kết 6 tháng đầu năm, đơn vị này chỉ đạt trên 98% so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sụt giảm đột ngột về giá trị sản xuất như vậy, song điều đó không được xem là bất ngờ. Đó là sự phản ánh đúng thực tế mà cả ngành Công nghiệp hỗ trợ cả nước đang gặp phải. Theo phân tích của các nhà kinh tế thì ngành Công nghiệp này từ lâu đã tiềm ẩn sự thiếu bền vững. Các chuyên gia cho rằng: Những đơn vị sản xuất trong nội ngành cơ bản là các doanh nghiệp Nhà nước, cung cấp các sản phẩm có chất lượng vừa phải, giá thành lại cao (vì công nghệ chưa tiên tiến) nên chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nội bộ các doanh nghiệp Nhà nước.

 

Nhưng cũng chính bởi sử dụng các sản phẩm này mà các máy móc, phương tiện hoàn thành tại các công ty Nhà nước sẽ thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là sự liên kết kém hiệu suất, bó chân lẫn nhau trong nội bộ ngành. Trường hợp 3 doanh nghiệp của chúng ta cũng tương tự. Có lẽ họ đã phụ thuộc quá nhiều vào một bạn hàng cùng là doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Honda Việt Nam, nên khi Công ty này gặp khó khăn trên thị trường, phải giảm số lượng linh, phụ kiện lắp ráp thì các doanh nghiệp của chúng ta đã không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Đã từ lâu rồi, các doanh nghiệp của chúng ta mới phải chịu tình cảnh cho công nhân nghỉ một thời gian để chờ việc như mấy tháng gần đây.

 

Từ thực tế này, theo chúng tôi đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn xa hơn, bền vững hơn về phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ. Ngoài sự nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm nhiều đối tác của các doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của Nhà nước để ngành Công nghiệp phụ trợ thực sự là thế mạnh của địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

 

Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dôi dư, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá đất nước theo cả bề rộng và chiều sâu. Công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù các sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở cộng bảo hiểm… sẽ làm tăng chi phí đầu vào.