Lãi suất huy động vẫn âm thầm dâng cao

08:19, 27/07/2012

Tặng phiếu mua hàng cho khách để nâng lãi suất thực lãnh vượt 10% khi gửi ngắn hạn, cho rút gốc trước kỳ nhưng vẫn hưởng lãi suất cao...là những chiêu mà các nhà băng hiện đang áp dụng để hút khách gửi tiền.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã cấm các nhà băng trả lãi cao cho người gửi tiền rút trước hạn nhưng hiện nay nhiều ngân hàng vẫn vô tư áp dụng. Chị Thanh Lan, nhà quận 3, TP HCM sáng nay đến gửi tiền tại chi nhánh một ngân hàng quốc doanh ở quận 1, TP HCM. Tại đây, nhà băng niêm yết trên biểu lãi suất cao nhất chỉ có 10% dành cho kỳ hạn 12-36 tháng. Tuy nhiên, khi tiếp chị, nhân viên cho biết ngân hàng đang có chương trình tiết kiệm siêu lãi suất, chỉ áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng, lãi suất là 12%. Đặc biệt, khi tham gia chương trình này, khách được phép rút tiền trước hạn. Nếu hạn gửi thực của khách đủ 12 tháng sẽ được hưởng nguyên 12%, còn dưới 12 tháng thì tính theo lãi suất 9% như kỳ hạn ngắn, thay vì áp lãi không kỳ hạn.

 

 

Hiện tượng này cũng diễn ra tại các nhà băng trên địa bàn Hà Nội. Giao dịch viên của một chi nhánh ngân hàng quận Long Biên cho biết nếu khách hàng gửi một khoản tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng, sẽ được hưởng lãi suất là 12% một năm, lãi lĩnh cuối kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng rút ra trước khi đến hạn, ngân hàng vẫn đồng ý cho khách hưởng lãi suất 12% mỗi năm dựa trên số tháng thực gửi như cam kết ban đầu, thay vì áp dụng lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn theo quy định.

 

Để hợp thức hóa, ngân hàng sẽ cho khách vay một khoản tiền bằng số tiền gửi của khách hàng, lãi suất 12%, với tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm của chính khách hàng trong thời hạn còn lại. Bằng phương thức này, tài khoản của ngân hàng đã được cân đối mà vẫn đảm bảo được quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

Thừa nhận cách thức áp dụng lãi suất cho khoản tiết kiệm rút tiền trước hạn trên là “lách” quy định, nhưng cán bộ tín dụng của nhà băng này cho rằng, họ phải làm như vậy để giữ chân những khách hàng lớn.

 

Ngoài việc cho rút trước hạn, hưởng lãi cao, các nhà băng cũng không ngại ngần chọn phương thức tặng phiếu mua hàng cho khách gửi tiền. Tại phòng giao dịch của một ngân hàng cổ phần lớn nằm trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM, khách gửi tiền kỳ hạn ngắn sẽ hưởng lãi suất 9% đúng như quy định trần. Tuy nhiên, nhà băng sẽ tặng kèm ngay cho khách những phiếu mua hàng tại siêu thị. Giá trị phiếu nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào số tiền khách đã gửi. Nếu tính ra lãi suất, có thể tương đương thêm 1% (tức tổng lãi được hưởng khoảng 10%, cao hơn trần hiện nay 1%).

 

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM tiết lộ, lãi suất huy động ngắn hạn tại nhiều ngân hàng gồm cả quy mô nhỏ và lớn hiện cũng đang dao động từ 10% đến 11% một năm, tùy từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi.

 

Ông cũng nói thẳng, một khi còn cái gọi là "trần lãi suất" thì hiện tượng lách sẽ khó chấm dứt. Bởi lẽ, việc hạ trần tiền gửi xuống 9% đã làm tăng sự khó khăn cho một số ngân hàng nhỏ và yếu thanh khoản dẫn đến tình trạng nhiều nhà băng phải sử dụng những chương trình khuyến mại đặc biệt nhằm tăng lãi suất thu hút tiền gửi từ dân chúng.

 

"Mỗi lần Ngân hàng Nhà nước hạ trần, thì các nhà băng này lại một lần tìm cách lách quy định cốt làm sao cho khách vẫn được hưởng mức lãi suất cao để họ ở lại với ngân hàng", ông nói.

 

Nhìn nhận về thực trạng trên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, tại thời điểm này, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam được xem là tương đối ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nhà băng nhỏ đang đối mặt giữa sự sống và cái chết.

 

"Một khi những nhà băng nhỏ này lách trần để hút vốn cứu thanh khoản thì nhà băng lớn tuy thừa vốn nhưng không thể ngồi yên để mất khách hàng, buộc phải lách theo. Điều này khiến cho cả ông nhỏ lẫn ông lớn đều đua nhau vượt trần lãi suất ngắn hạn hoặc trả lãi cao cho người rút trước hạn", Tiến sĩ Dương nói.

 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay, tình hình huy động trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm tuy tăng chậm hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn tăng 6,32%. Thanh khoản của các nhà băng tương đối ổn định.

 

Theo ông Mình, cơ quan này đang dồn sức để tìm cách cứu doanh nghiệp, nhưng vẫn không lơ là việc giám sát nhà băng thực hiện quy định trần huy động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM chưa phát hiện trường hợp nào lách trần.

 

 

Bởi theo Phó giám đốc Minh, việc xử lý những ngân hàng "lách luật" này không đơn giản. Nguyên nhân là không phải lúc nào cũng bắt được tận tay sự thỏa thuận lãi suất chui của ngân hàng với người gửi tiền. "Mà những người có tiền gửi cũng chẳng có ai dại đến mức đi tố cáo nhà băng cho mình hưởng lãi suất cao", ông nói.

 

Quan chức này thông tin, thời gian tới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện lãi suất tại các nhà băng. "Nếu phát hiện trường hợp nào áp dụng lãi suất vượt trần hoặc sai quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc", Phó giám đốc khẳng định.

 

Trước đó, vào ngày 21/6, để chấn chỉnh tình trạng lách trần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư số 19 và Thông tư số 04.

 

Trường hợp cần thiết, tiến hành ngay việc kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động đối với tổ chức tín dụng vi phạm. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các nhà băng vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất tiền gửi và báo cáo Thống đốc kết quả xử lý.