Ngô mới trên đồng đất cũ

08:31, 20/07/2012

Mỗi hộ trồng 60 - 70 kg ngô giống, thu trên 20 tấn ngô hạt, đem lại nguồn thu nhập 40 - 50 triệu đồng/vụ đã không còn là chuyện lạ đối với người dân Võ Nhai. Nhờ cây ngô lai, cuộc sống nhân dân ở nhiều bản làng của huyện vùng cao này đã và đang từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu...

Về xã Dân Tiến trong một ngày đầu tháng 7, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say, khẩn trương của bà con trong vụ thu hoạch ngô. Chị Lê Thị Dung, xóm Tân Tiến cho hay: Năm nay, gia đình tôi trồng được 8 kg ngô giống LVN99 (tương đương khoảng 16 sào). Tuy vụ ngô này trước do bị hạn hán và sâu bệnh nhưng năng suất dự ước vẫn đạt khoảng hơn 2 tạ/sào, đạt khoảng trên 2 tấn ngô hạt phơi khô... Rời xóm Tân Tiến, đi đến các xóm Cầu Nhọ, Làng Tràng, Mỏ Đinh, Mỏ Bễn (xã Tràng Xá), chúng tôi càng được thỏa mắt ngắm nhìn những bãi, đồi ngô nối đuôi nhau dài ngút ngàn. Anh Chu Văn Đoàn, xóm Mỏ Bễn chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, vụ nào gia đình tôi cũng trồng từ 20 - 30 kg ngô giống. Sau khi thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 30 triệu đồng/vụ ngô. Vụ xuân năm nay, vợ chồng chúng tôi đã trồng được 30 kg giống ngô NK67, dự kiến sẽ thu được khoảng 9 tấn ngô hạt...

 

Những năm qua, cây ngô lai đã được người dân Võ Nhai trồng ngày càng nhiều ở chân ruộng cao chỉ cấy được một vụ lúa, ở đất bãi ven sông, suối, khe và trên đất đồi có độ dốc thấp, đất vùng chân núi đá. Nếu như năm 2000, diện tích ngô lai của huyện chỉ có vài trăm ha/năm thì đến nay, con số đó đã là gần 5.000ha/năm, trong đó có xã có từ 600ha đến trên 2.000ha ngô lai/năm như: Tràng Xá, Phương Giao, Dân Tiến, Bình Long... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: ở Tràng Xá, ngô là một trong 2 cây lương thực chính của người dân trong xã (cây lúa, cây ngô lai). Diện tích ngô lai của xã không ngừng được tăng lên theo từng năm. Nếu như 5 năm trở về trước, cây mía là cây trồng được người dân, nhất là dân ở 8 xóm miền Đông Bo lựa chọn là cây trồng chính thì giờ đây, cây ngô lai đã trở thành cây trồng được người dân lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Bởi, cây ngô lai không những góp phần đảm bảo lương thực cho chăn nuôi mà còn đtrở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong xã. Nếu như những năm 2008 - 2009, diện tích ngô lai của xã mới chỉ khoảng vài trăm ha/năm thì nay con số đó đã đạt khoảng 2.200ha/năm....

 

Qua tìm hiểu thực tế tại xóm Tân Tiến (Dân Tiến), xóm Làng Tràng, Cầu Nhọ, Mỏ Bễn (xã Tràng Xá), chúng tôi được biết số hộ thu hoạch được hơn chục tấn ngô hạt/vụ, thậm chí đến 20 tấn ngô/vụ là khá phổ biến. Bà Hoàng Thị Miền, Trưởng xóm Mỏ Bễn cho biết: Hiện nay, xóm có 80 hộ dân thì 100% số hộ đều lấy cây ngô làm cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Vụ Xuân này, số hộ trồng từ 25 - 30 kg ngô giống chiếm khoảng trên 50% tổng số hộ trong xóm, cá biệt có những hộ trồng tới 60 - 70kg ngô giống/vụ, thu hoạch được khoảng 22 - 24 tấn ngô hạt, với giá bán 6.000 đồng/kg (năm 2011), sau khi trừ hết các đem lại nguồn thu nhập khoảng trên 70 triệu đồng. Nhờ đó mà, nhiều hộ trồng ngô lai ở xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao đã xây dựng được nhà  ở khang trang, sạch đẹp, sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Thậm chí, có hộ còn mua đươc cả xe ô tô tải để thuận tiện vận chuyển ngô và các loại hàng hóa khác. Ông Hoàng Văn Lư, xóm Mỏ Bễn bộc bạch: Khoảng chục năm trở về trước, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng, của bà con trong xóm nói chung còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả, thiếu ăn triền miên. Nhưng từ khi bà con mạnh dạn đưa các loại giống ngô lai có năng suất cao vào trồng trên những chân ruộng cao, ở các triền đồi, nhiều hộ đã có tiền xây nhà, mua xe máy, ti - vi, tủ lạnh. Đối với gia đình tôi, ngoài trồng hơn 10kg ngô giống/vụ, tôi còn tích cóp được một số vốn mua xe ô tô tải, thu mua ngô hạt cho bà con trong xóm và các xóm lân cận. Tính trung bình mỗi năm, tôi đã thu mua được từ 700 đến 1.000 tấn ngô hạt. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm tại chỗ cho 2 lao động với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng (trong vòng 2 tháng của mỗi vụ thu hoạch ngô)...

 

Sở dĩ, cây ngô lai được hầu hết các hộ dân ở huyện vùng cao Võ Nhai chọn lựa để phát triển kinh tế gia đình là bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Võ Nhai khá phù hợp với các loại ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cho năng suất cao như: LVN99, CP999, CP888, NK66, NK6326, NK400... Trong khi đó, việc trồng và chăm sóc cây ngô lai ở Võ Nhai tốn ít chi phí, ngày công lao động hơn so với các loại cây trồng khác như cây mía. Mặt khác, thông qua các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương và của tỉnh, Võ Nhai đã triển khai hiệu quả việc trợ giá trợ cước, cung ứng giống, phân phón chậm trả kịp thời, đảm bảo chất lượng; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống ngô lai; hỗ trợ nhân dân mua sắm các thiết bị chế biến, bảo quản ngô như: máy tẽ hạt, lò sấy... Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai cho biết: Về diện tích, cơ bản nhân dân đã tận dụng hết đất một vụ, đất bãi để trồng ngô lai. Do xác định cây ngô lai vẫn tiếp tục là một trong những cây trồng chính trong phát triển kinh tế của người dân nên chúng tôi tiếp tục khuyến khích bà con tập trung đầu tư thâm canh bằng những giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có năng suất, chất lượng...

 

Có thể thấy rằng, cây ngô lai đã khẳng định vị thế là một trong những cây trồng chính, giúp người dân Võ Nhai phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và làm giàu (Bình quân mỗi năm, sản lượng ngô lai của huyện Võ Nhai vào khoảng trên 25 nghìn tấn ngô hạt). Tuy nhiên, giá cả hạt ngô lai vẫn còn bấp bênh, đầu ra vẫn mang tính chất tự sản tự tiêu, thường bị tư thương ép giá. Năm 2011, giá mỗi kg hạt ngô là trên 6.000 đồng, vụ này, là 5.200 đồng/kg...