Nhiều ngân hàng lại gom vàng

09:55, 24/07/2012

Từ đầu tuần trước đến nay, nhiều nhà băng rục rịch huy động vàng trở lại với lãi suất trên dưới 1%/năm sau khi đã đưa về gần 0% hoặc đã ngưng trước đó.

DongA Bank là ngân hàng đầu tiên ngừng huy động vàng trong những ngày đầu tháng 7 và áp dụng mức phí giữ hộ 0,05% trên giá trị vàng giữ hộ. Tuy nhiên, hiện nhà băng này huy động vàng trở lại với lãi suất 1%/năm cho tất cả các kỳ, nhưng phải đáo hạn trước 25/11.

 

Tương tự, hôm 18/7, ngân hàng Á Châu (ACB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ huy động vàng với các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng, lãi suất 0,8%/năm và đảm bảo đáo hạn trước ngày 25/11 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

Ngoài ra, các chứng chỉ vàng chưa đến ngày đáo hạn vẫn tiếp tục thực hiện những cam kết giữa ACB và khách hàng. Những khoản có ngày đến hạn sau ngày 25/11 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi.

 

Trước đó khoảng 10 ngày, ACB đã ngưng phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn, và cho biết những khoản đáo hạn sau 4/7 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi.

 

Một số nhà băng khác hiện nay còn nhận huy động vàng của khách có kỳ hạn vượt ngày 25/11.

 

Một khách hàng đến gửi 10 lượng vàng tại VietA Bank cho biết, hiện nhà băng này áp dụng lãi suất huy động vàng 0,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Nhưng sau 25/11/2012 - thời điểm kết thúc huy động vàng bằng chứng chỉ theo quy định của Ngân hàng Nhà nươc - VietA Bank sẽ không phát sinh hợp đồng mới.

 

Lý giải cho động thái huy động vàng trở lại và áp lãi suất cạnh tranh trên thị trường, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, hiện nay, thông thường chỉ có nhà băng nào bị âm trạng thái vàng thì mới được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho huy động vàng.

 

"Trước đó, chúng tôi không được cấp phép huy động, đành phải ngưng. Nay được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại thì tiếp tục triển khai phát hành chứng chỉ vàng ngắn hạn. Đó là hoạt động bình thường trong nghiệp vụ ngân hàng", ông Toại nói.

 

Về lãi suất ấn định cao so với mặt bằng chung, Phó tổng giám đốc ACB cho hay chưa có bất cứ quy định nào về trần lãi suất huy động vàng. Do vậy, ACB phải nâng lên mức hợp lý khi một số ngân hàng đã điều chỉnh trước đó.

 

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần vừa mới huy động vàng trở lại với lãi suất 1% cũng chia sẻ, hiện nhà băng này còn tồn đọng một số lượng dư nợ bằng vàng mà trước đó khách hàng đã vay ở kỳ hạn dài và chưa trả nợ xong.

 

Do đó, khi nào khách hàng đến tất toán một phần nợ thì trạng thái vàng sẽ dương và nhà băng không phải huy động nữa. Còn lúc đến hạn mà họ chưa thể thanh toán nợ, nhà băng buộc phải huy động vàng vào hoặc ít ra cũng phải giữ chân khách không để họ rút vàng đã gửi ra khỏi nhà băng nhằm cân bằng trạng thái. "Đó là lý do vì sao lúc ngân hàng huy động vàng, lúc lại ngưng", bà lý giải.

 

Một chuyên gia trong giới ngân hàng nhìn nhận, động thái huy động vàng lãi suất cao của một số ngân hàng hiện nay còn có nhiều khả năng xuất phát từ mục đích chuyển vàng thành tiền đồng. Ông này cho rằng, ngay cả khi huy động vàng với lãi suất 1 hoặc 2% một năm, nếu giá ổn định, sẽ có lợi hơn so với huy động vốn bằng VND lãi suất 9%./.