Trời tang tảng sáng, chúng tôi đã có mặt tại xóm Cây Lán, xã Cổ Lũng, Phú Lương để chứng kiến cảnh mua, bán cá giống tấp nập. Chẳng biết nghề sản xuất, kinh doanh cá giống ở đây có từ bao giờ nhưng theo những người dân trong vùng thì vài năm trở lại đây nghề này đang ngày càng trở nên hưng thịnh.
Vào mùa này, sáng nào các thương lái từ khắp nơi trong tỉnh cũng đổ về đây mua cá để mang bán ở khắp các địa phương trong tỉnh. Dọc 2 bên Quốc lộ 37, từng đoàn xe chở những sọt cá vào, ra nhộn nhịp như hội. Quanh những chiếc ao, từng tốp người nói cười rôn rả theo những mẻ lưới kéo nặng tay, những chú cá con lọt lưới nhảy tanh tách trông thích mắt.
Anh Nguyễn Văn Hà, một hộ sản xuất cá giống có thâm niên hơn chục năm ở xóm Cây Lán cho biết: Thông thường mọi năm, nghề sản xuất cá giống bắt đầu từ tháng 2 Âm lịch khi thời tiết bớt giá lạnh và trời cũng bắt đầu cho mưa, người làm cá bắt tay vào việc thu dọn ao chuôm để mua bột cá về gột nên cá con, đến tháng 3 là bắt đầu xuất cá. Nhưng riêng năm nay, do thời tiết rét đậm kéo dài, sau đó trời lại có mưa muộn nên thời gian xuất cá bị lui lại đến tận tháng 6. Gia đình tôi có 8 sào ao, chuyên làm cá trắm vì loài cá này dễ làm, giá thành lại cao, ăn uống không khó tính như một số loài cá khác. Năm nào tôi cũng chăn 4 lứa, mỗi tháng suất bán khoảng 1,5 tạ, một năm thu được gần 1 tấn, thu về 30-40 triệu đồng. Cứ đến mùa, những lái cá lại vào tận nhà đặt hàng, tôi không phải đi bán ở ngoài, chỉ tập trung sản xuất để cho ra con giống khỏe mạnh.
Nghề sản xuất cá giống đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ như nuôi con mọn. Mô hình nuôi cá giống của ông Bùi Mạnh Trường, xóm Tân Long có tiếng là một mô hình quy cách và sạch sẽ. Toàn bộ hơn 1 mẫu ao của gia đình ông hiện nay đã được phân chia thành các ngăn nuôi cá theo từng giai đoạn, nhờ đó ông có thể nuôi gối lứa, khi cá bột phát triển thành cá hương thì ông dồn hết vào ao cá hương để thả tiếp lứa bột khác, cứ như vậy ông có thể tận dụng được tối đa thời gian và mô hình của ông lúc nào cũng có cá giống bán liên tục.
Ông Trường cho biết: Cá con rất nhạy cảm vì thế để sản xuất được con cá giống khỏe mạnh, các công đoạn từ chuẩn bị ao thả, xử lý môi trường đến chăm sóc đều phải rất cẩn thận. Đầu tiên phải gạn hết nước ao, vãi vôi khử trùng và té bùn xung quanh bờ ao để diệt trừ một cách tuyệt đối các ổ bệnh. Sau đó mới thả cá bột vào để gột, thời gian này, chế độ ăn uống cho cá rất đặc biệt, mỗi sáng phải quấy bột ngô rắc khắp mặt ao cho cá ăn, thỉnh thoảng đánh cả trứng gà vào để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cá. Sau 7-10 ngày, cá to bằng chân hương dân làm cá gọi là cá hương, giai đoạn này cá ăn tạp hơn, do vậy có thể chăn bổ sung thêm các loại thức ăn khác như: phân lợn, bèo… Một tháng sau chiều dài cá đạt khoảng 5cm (còn gọi là cá 5 phân) là có thể xuất bán.
Nghề làm cá giống chỉ sôi động theo mùa, từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 9 Âm lịch khi thời tiết bắt đầu lạnh và trời ít mưa. Số cá con còn lại trong ao sẽ được bà con gom lại vào một ao gọi là cá lưu, sang đầu năm sau khi bắt đầu vào mùa, dân làng cá đã có cá giống để cung cấp ra thị trường. Trong quá trình lưu cá, người làm cá cũng phải vệ sinh ao thường xuyên và duy trì chế độ chăm sóc đủ dinh dưỡng để đảm bảo cá luôn khỏe mạnh trong ao cho đến mùa nước năm sau.
Nói về nghề làm cá giống ở địa phương, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Hiện nay, tổng diện tích ao nuôi cá giống của xã hiện nay là 34ha, thu hút hơn 60 hộ nuôi của 6/18 xóm trong toàn xã là: Cổng Đồn, Cây Lán, Bờ Đậu, Tân Long, Làng Ngói và Bãi Nha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 25 tấn cá giống. Không chỉ những hộ có ao và kinh nghiệm trong nghề làm cá giống mới gắn bó với những con cá con mà ngoài ra còn có nhiều hộ không làm cá giống nhưng cũng tham gia kinh doanh cá. Các hộ này cũng có bể cá, thường xuyên nhập cá từ các ao về bể, sau đó giao trực tiếp cho khách, đa phần số hộ kinh doanh cá giống tập trung ở khu vực gần Quốc lộ để tiện cho việc trung chuyển cá tới khách hàng, tạo thành chợ cá giống ở đây. Nhờ đó, nhân dân ở khu vực này đã có điều kiện phát triển hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, nghề cá giống ở Cổ Lũng vẫn chỉ là mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm nên chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chính vì vậy nghề cá giống cho đến nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Điều kiện tất yếu để sản xuất cá giống là phải có nguồn nước, thế nhưng trên địa bàn 6 xóm duy trì nghề cá giống đến nay vẫn chưa có một mét kênh mương nào lác đác một vài trường hợp đã bỏ nghề, san ao thành ruộng. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương xây dựng làng nghề nuôi cá giống truyền thống. Theo đó, quy mô của nghề sẽ được mở rộng thêm, cùng với đó cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống kênh mương thủy lợi.