Triển vọng trong thu hút đầu tư FDI

10:10, 25/07/2012

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian gần đây, hoạt động này đang có những bước chuyển biến đang cho thấy những triển vọng đáng lạc quan…

 Từ “bức tranh” còn ảm đạm

 

Mốc đánh dấu thời điểm dự án FDI đầu tiên đầu tư vào tỉnh là năm 1993, khi UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Nasteel Vina- Singapor, liên doanh với Công ty Gang thép Thái Nguyên. Từ đó đến nay, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh tuy có những chuyển biến đáng kể nhưng chưa có sự đột biến về cả số lượng dự án và số vốn đăng ký. Hiện, trên toàn tỉnh có 26 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 121,386 triệu USD, chỉ tăng 2 dự án và xấp xỉ 20 triệu USD vốn đăng ký so với tháng 7-2010. Được biết ở thời điểm cao nhất, cả tỉnh có 42 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký gần 400 triệu USD, các dự án đã bị rút Giấy phép đầu tư chủ yếu do chậm triển khai, đã dừng hoạt động thời gian dài hoặc do nhà đầu tư chủ động xin rút. Nhận định chung của các nhà quản lý, nhà chuyên môn về tình hình thu hút vốn FDI của Thái Nguyên là số dự án còn ít, quy mô nhỏ, không ít nhà đầu tư hạn chế về năng lực, kinh doanh không hiệu quả (thể hiện ở con số các dự án đã bị rút giấy phép đầu tư). Thực trạng này chưa tương xứng với tiềm năng của một tỉnh trung tâm vùng, có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối khá và ở vị trí tiếp ráp với Thủ đô Hà Nội.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động thu hút đầu tư FDI của tỉnh thời gian qua, nhưng theo ông Đàm Văn Yên, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì hai điểm mấu chốt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng và tỉnh chưa có quỹ đất sạch phục vụ các nhà đầu tư. Hai vấn đề này đã làm không ít nhà đầu tư nước ngoài “nản chí” và tìm đến địa phương khác (điển hình như Tập đoàn Ford của Mỹ và Honda của Nhật Bản). Mặt khác, cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp của tỉnh (trừ khu công nghiệp Sông Công I) vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu quá trình xây dựng, hoặc mới chỉ dừng lại ở việc công bố quy hoạch…

           

…gam màu đã sáng dần lên

 

Tỉnh ta có lợi thế không nhỏ về vị trí địa lý để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư FDI nói riêng như: tiếp ráp với Hà Nội, gần Sân bay Nội Bài, lại nằm trên huyết mạch giao thông nối một số tỉnh phía Đông Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Về nguồn nhân lực, Thái Nguyên là một trong số các trung tâm đào tạo lớn với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề, đủ khả năng đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao cho các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ của tỉnh được đánh giá là tương đối hiện đại và đang tiếp tục được quan tâm đầu tư.

 

Cùng với những lợi thế trên, tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất; tập trung nguồn vốn và nhân lực cho công tác giải phóng mặt bằng; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; xây dựng cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến đầu tư, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”…

 

Nhờ đó, năm 2011, có 2 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng cộng 6,3 triệu USD; 6 tháng đầu năm nay, có 1 dự án được điều chỉnh tăng thêm gần 6 triệu USD và có 3 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, với tổng vốn đăng ký 8,28 triệu USD. Mới đây (ngày 18-6), tỉnh đã có biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Bujeon electronic - Hàn Quốc về việc thành lập Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử tại T.P Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, dự kiến sử dụng khoảng 5.000 lao động đã qua đào tạo. Đầu năm, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đã cử 2 đoàn công tác đến khảo sát môi trường đầu tư và làm việc với các ngành chức năng của tỉnh…

 

Với tình hình thực tế và những kết quả đã đạt được, trong tương lai không xa (khi hoàn thiện tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; hoàn thành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị được đầu tư bài bản, đồng bộ và hiện đại hơn), đầu tư FDI vào Thái Nguyên sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều triển vọng. Để thúc đẩy quá trình này, các cấp chính quyền, các ngành liên quan của tỉnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).