Ba năm trở lại đây, mô hình nuôi lợn rừng đã thu hút hàng chục hộ dân ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) tham gia. Với ưu điểm dễ nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với nuôi lợn thường, nuôi lợn rừng đã và đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới của người dân nơi đây.
Là người đi tiên phong trong việc thực hiện mô hình nuôi lợn rừng, ông Hoàng Văn Thực, ở xóm Tân Đô đã tận dụng hết 1.800m2 đất vườn của gia đình để chăn thả lợn. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Sau khi được tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng của nhiều hộ ở trong và ngoài huyện, năm 2010, tôi bắt đầu thử sức với 5 con lợn giống. Tuy lợn rừng có sức đề kháng với các loại dịch bệnh cao hơn lợn thường, nhưng trong quá trình nuôi tôi vẫn luôn chú trọng cung cấp thức ăn đầy đủ cho chúng và giữ vệ sinh chuồng trại bằng cách phun thuốc khử trùng để lợn không bị mắc bệnh. Vì vậy đàn lợn của gia đình tôi phát triển rất nhanh, trung bình một năm chúng đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 con. Hiện nay, gia đình tôi cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 50 con lợn rừng giống và 40 con lợn rừng thịt/năm. Trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi trên 100 triệu đồng…
Rời nhà ông Thực, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Lý Văn Hưng, ở xóm Đồng Cẩu. Tuy ra đời sau trang trại của ông Thực 1 năm nhưng do được đầu tư cơ bản về chuồng trại và số lượng con giống nên mô hình của nhà anh Hưng sớm khẳng định vị trí dẫn đầu về quy mô nuôi lợn rừng ở xã Hòa Bình. Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn nuôi rộng gần 4.000m2, anh Hưng cho biết: Trước đây, kinh tế của gia đình tôi chủ yếu trông vào 7 sào ruộng nên chỉ đủ ăn. Đầu năm 2011, tôi mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng mua 20 con lợn rừng giống và xây dựng khu vườn nuôi. Có con giống tốt, lại được chăm sóc chu đáo nên chỉ gần 1 năm sau gia đình tôi đã xuất chuồng được lứa lợn giống đầu tiên với giá bán từ 2-3 triệu đồng/con. Nuôi lợn rừng tuy chi phí ban đầu cao, đòi hỏi phải có vườn rộng rãi nhưng rất nhanh thu hồi vốn, bởi đây là loài động vật ăn tạp nên việc chăn nuôi chúng rất đơn giản. Thức ăn hàng ngày cho lợn rừng chủ yếu là các loại rau, củ, quả hoặc cây chuối, bẹ chuối… ngoài ra có thể cho chúng ăn thêm cám gạo, ngô, sắn, nhưng tuyệt đối không được chăn bằng cám tăng trọng. Nếu bán lợn rừng thịt thì phải nuôi trong vòng 7 đến 8 tháng thì mới có thể xuất chuồng, với giá bán ra là 130 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg lợn hơi, cao gấp 3 đến 4 lần so với thịt lợn thường. Hiện nay, gia đình tôi cung cấp cho thị trường cả lợn rừng giống và lợn rừng thịt, trong vườn nuôi thường duy trì khoảng 30 con, lúc cao điểm lên tới 50 con. Tính từ đầu năm đến giờ, gia đình tôi đã thu lãi trên 100 triệu đồng từ bán lợn rừng.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vườn chuồng chăn nuôi lợn rừng được thiết kế khá đơn giản. Đó là một khu đất rộng, trồng nhiều cây xanh lấy bóng mát để đàn lợn có không gian vận động thuận lợi. Nền chuồng có thể là nền đất hoặc nền xi măng, ô chuồng được thiết kế đặt rải rác quanh vườn cho lợn có trỗ trú mưa. Để lợn rừng không chạy ra khỏi khu vườn nuôi, các hộ dân thường xây trụ xi măng cao chừng 1m quanh khu đất, sau đó mua tấm nhôm đan có đủ lỗ thoáng rào quanh. Được biết, chính môi trường sống bán hoang dã, phải vận động liên tục và được hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn là cây cỏ trong tự nhiên nên thịt của lợn rừng rất chắc, ngọt và thơm hơn hẳn so với thịt lợn thường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Mô hình nuôi lợn rừng hiện đang phát triển khá mạnh và ngày càng được nhân rộng ở xã. Từ 3 hộ nuôi ban đầu, đến nay cả xã đã có 15 hộ tham gia, trong đó có 1/3 số hộ nuôi với quy mô từ 30 con trở lên. Hiện nay, tổng đàn lợn rừng của xã có khoảng trên 200 con. Nếu như việc nuôi lợn bình thường phải lo chuyện dịch bệnh, giá bán không ổn định… thì nuôi lợn rừng an toàn mà giá bán lại cao, đem lại sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Những sản phẩm không nuôi tăng trọng như lợn rừng hiện đang là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng. Đối với các xã miền núi như Hòa Bình có nhiều lợi thế về đất vườn đồi, khí hậu và nguồn thức ăn tự nhiên phong phú thì việc mở rộng mô hình chăn nuôi này là một hướng đi có nhiều triển vọng.