Hiện nhu cầu vàng vật chất hầu như không hỗ trợ gì cho giá vàng. Dự báo, giá vàng tuần tới có thể giảm do nỗi lo nợ công và kinh tế đi xuống ở khu vực châu Âu
Giảm mạnh phiên cuối tuần
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng trong nước chỉ giảm có 100.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới đã giảm hơn 20 USD/oz trong phiên giao dịch tại New York.
Cụ thể, vàng SJC phiên cuối tuần ở mức 41,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng so với phiên liền trước.
Vàng miếng đã giảm giá liên tục kể từ sau khi lên mức cao nhất trong nửa tháng là 42,25 triệu đồng/lượng hôm 4/7. Kể từ mức đỉnh trên, giá vàng hiện đã hạ 450.000 đồng/lượng, còn so với cuối tuần trước, vàng đã rẻ đi 200.000 đồng/lượng.
Thị trường vàng miếng đã giao dịch sôi động hơn khi giá vàng vượt 42 triệu đồng/lượng hồi đầu tuần thúc đẩy người dân bán ra. Sau đó, khi giá vàng giảm dưới 42 triệu đồng/lượng, thị trường lại trở lại với không khí giao dịch trầm lắng.
Trên thị trường thế giới, tuần qua, giá vàng tăng trong các phiên đầu tuần, nhưng sau đó đảo chiều từ ngày thứ Năm do euro suy yếu sau khi NHTW châu Âu (ECB) giảm lãi suất và nhận định của chủ tịch ECB ông Mario Draghi rằng kinh tế khu vực vẫn đang yếu.
Ngày cuối tuần, ngay cả khi báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ gây thất vọng, đồng USD vẫn tăng giá bởi nhiều người cho rằng thị trường lao động chưa yếu đến mức buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động ngay lập tức và khiến cho vàng sụt mạnh.
Theo công bố, trong tháng 6 vừa qua, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tạo được 80.000 việc làm mới. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, tăng trưởng việc làm của Mỹ dưới con số 100.000. Tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ở mức 8,2%.
Theo giới phân tích, với tình hình thị trường việc làm Mỹ u ám như hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể cân nhắc đưa ra chương trình nới lỏng định lượng thứ ba để kích thích tăng trưởng. Kỳ vọng này có tác dụng hỗ trợ giá vàng, nhưng trong phiên cuối tuần, áp lực giảm giá từ thị trường tài sản rủi ro đã thắng thế.
Kết thúc tuần đến ngày 6/7, giá vàng giao tháng 8 mất 25,3 USD so với tuần trước đó, xuống còn 1.578,9 USD/ounce.
Đóng cửa trên thị trường New York, giá vàng giao ngay hạ 21,5 USD/oz, tương đương mức giảm hơn 1,3%, còn 1.583,4 USD/oz.
Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm khoảng 1%. So với thời điểm đầu năm, giá vàng hiện cao hơn khoảng 2%.
Và sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới
Hiện nhu cầu vàng vật chất hầu như không hỗ trợ gì cho giá vàng. Theo các nhà giao dịch, các khách hàng ở khu vực châu Á vẫn đợi vàng giảm giá sâu hơn mới mua vào. Thống kê mới nhất cho thấy, trong tháng 5, Trung Quốc chỉ nhập khoảng 75,5 tấn vàng qua thị trường Hồng Kông, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, giá vàng tuần tới có thể giảm do nỗi lo nợ công và kinh tế đi xuống ở khu vực châu Âu khiến cho đồng euro mất giá so với USD.
Trả lời khảo sát của Kitco, 11/20 ý kiến trả lời của các nhà phân tích, thương nhân và nhà đầu tư về xu hướng giá vàng tuần tiếp theo cho rằng giá sẽ giảm. Ngoài ra còn có 7 ý kiến cho rằng sẽ tăng trong khi 2 người đưa ra ý kiến trung lập hoặc dự báo thị trường đi ngang.
Các chuyên gia dự báo giá giảm cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, đồng USD là lựa chọn tối ưu, vì thế các tài sản rủi ro ít có cơ hội tăng giá.
Darin Newsom, nhà phân tích cao cấp của DTN nhận xét, vàng sẽ chịu áp lực khi mà đồng euro còn suy yếu hơn. Trong ngày 6/7 vừa qua, euro đã xuống 1,2267 USD đổi 1 Euro – mức thấp nhất trong 2 năm. “Dựa vào xu hướng của USD tuần tới, tôi cho rằng vàng sẽ chịu áp lực giảm. Có rất ít khả năng đồng euro sẽ thay đổi chiều hướng hoặc xuất hiện tin tức tích cực từ châu Âu”, Newsom nói.
Một đồng USD mạnh thường khiến cho giá hàng hóa, bao gồm cả vàng, chịu áp lực giảm vì nó khiến cho hàng hóa trở nên đắt hơn với những người nắm giữ ngoại tệ khác.
Trong khi đó Spencer Patton, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Steel Vine Investments thì nhận xét, sự suy yếu của thị trường chứng khoán sẽ làm cho USD mạnh lên, qua đó tác động lên giá vàng. “Tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ xấu hơn trong tuần tới. Một khi chứng khoán bị bán tháo, nhu cầu mua vàng cũng sẽ giảm theo còn USD thì mạnh lên”.
Frank Lesh, nhà môi giới đồng thời là nhà phân tích của FuturePath Trading cũng có chung nhận định như vậy khi tin tưởng vào sức mạnh của đồng USD. Theo ông, dù các dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ khá thất vọng nhưng để các nhà hoạch định chính sách quyết định nới lỏng chính sách hơn nữa thì chưa đủ.
Ira Epstein, giám đốc của Ira Epstein thuộc The Linn Group cũng cho rằng sức mạnh của USD sẽ giữ chân vàng, nhưng tin tưởng biên độ dao động của giá kim loại quý sẽ mở rộng. Theo ông, giá sẽ ở xu hướng giảm là chính và nằm trong khoảng từ 1.530 – 1.620 USD/ounce.
Ở trường phái dự báo giá tăng, các nhà quan sát thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ nói đến chương trình nới lỏng định lượng tiếp theo trong biên bản cuộc họp của FOMC tháng 6 công bố vào tuần tới.
Theo Mike Daly, nhà phân tích vàng và bạc của PFGBEST, vàng sẽ được hỗ trợ mạnh ở vùng 1.580 USD/ounce và xuất hiện hoạt động mua vào mạnh trở lại. Về việc giá giảm tới hơn 30 USD trong phiên thứ Sáu vừa qua, ông cho rằng đó đơn thuần chỉ là hoạt động chốt lời./.