Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiêu dùng chứ không phải sản xuất, mới chính là mắt xích quan trọng trong việc giải quyết khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Lãi suất huy động bằng VNĐ giảm liên tục trong những tháng gần đây, từ mức 14%/năm hồi đầu năm xuống chỉ còn 9%/năm hiện tại với các kỳ hạn dưới 12 tháng và 11 - 12%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 5 cũng đã ra quy định lãi suất cho vay ở mức cộng 3% so với trần lãi suất huy động (với 4 lĩnh vực ưu tiên) và mới đây tiếp tục yêu cầu các tổchức tín dụng xem xét hạ tất cả các khoản vay cũ xuống 15%/năm.
Sau yêu cầu của Thống đốc, nhiều ngân hàng có động thái giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm và áp dụng lãi suất cho các khoản vay mới ở mức ưu đãi từ 12 – 15%/năm như Vietcombank, BIDV, VIB, Eximbank… Tuy nhiên, cũng còn không ít ngân hàng tiếp tục neo lãi suất ở mức cao, hoặc chấp hành “mệnh lệnh hành chính” một cách miễn cưỡng và có tính chất đối phó.
Việc giảm lãi suất nói trên tuy nhiên chỉ ưu tiên doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hoặc có triển vọng sáng sủa, còn các doanh nghiệp yếu, thuộc diện thực sự cần hỗ trợ thì lại khó có thể tiếp cận vốn mới chứ đừng nói đến lãi suất thấp hay giảm lãi cũ.
Với khách hàng là cá nhân, lãi suất cũng chỉ được ưu tiên ởmột số các khoản vay chẳng hạn như mua nhà, trong đó lợi ích của ngân hàng phải được đảm bảo qua chủ đầu tư với hình thức hợp tác. Còn với các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng, bao gồm cả mua nhà nhưng giữa ngân hàng và chủ đầu tư không có mối quan hệ, thì lãi suất vẫn ở mức rất cao và vô cùng khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và người dân, tiêu dùng chứ không phải sản xuất, mới chính là mắt xích quan trọng trong việc giải quyết khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Tiêu dùng gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng hiện nay, Chính phủ vẫn chỉ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp mà chưa có chính sách nào hỗ trợ về lãi suất cho vay tiêu dùng, ngân hàng lại càng không.
Tại ngân hàng Standard Chartered, một trong những ngân hàng nước ngoài có uy tín hàng đầu tại Việt Nam, lãi suất cho vay tín chấp hiện vẫn lên đến 24 – 25%/năm, với các khoản vay tối đa bằng 12 tháng lương hoặc 300 triệu đồng, thời hạn vay từ 1 – 5 năm.
Hay như ở ngân hàng HSBC, lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng này được quảng cáo là vô cùng hấp dẫn, nhưng khi nhìn vào dòng chữ “chỉ từ 24%/năm”, người tiêu dùng không khỏi choáng váng.
Ngoài ra, mức lãi suất có thể gọi là “trên trời” của các ngân hàng trên sẽ được họ áp dụng trong suốt quá trình cho vay và theo dư nợ giảm dần. Nếu tất toán trước hạn ngay trong năm đầu tiên sẽ bị phạt lãi suất 5%/năm, năm thứ hai là 4%, năm thứ ba là 3% và năm thứ 4 mới được “khuyến khích”.
Cách đây nửa năm, thời điểm lãi suất huy động còn ở mức 14%, lãi suất vay tín chấp của các ngân hàng này là 25,5 – 26%/năm. Khi được hỏi vì sao lãi suất huy động giảm mạnh mà lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, nhân viên tín dụng của Standard Chartered cho biết, dòng vốn rẻ phải chờ vài tháng nữa mới ra thị trường! Nhân viên này còn giải thích thêm, nếu tính đều ra, thì lãi suất cho vay của ngân hàng chỉ khoảng 12,9%/năm – vẫn là mức cạnh tranh so với các ngân hàng khác đang chào cho vay ở mức 15%!
Nhưng “trông đi” thì cũng phải “nhìn lại”. Các ngân hàng nước ngoài họ áp dụng lãi suất cao nhưng lại khuyến khích người vay tiền với thái độ nhiệt tình, niềm nở, giải ngân nhanh chóng. Còn với nhiều ngân hàng nội địa, vay tiêu dùng lại vô cùng khó khăn và có vẻ như không được khuyến khích.
Trong vai một người có nhu cầu vay tiêu dùng, chị Thu Thủy ở Hà Nội gọi điện đến chi nhánh của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thì được nhân viên tín dụng của ngân hàng này cho biết, ngân hàng không có hình thức cho vay tín chấp, mà chỉ cho vay thế chấp. Vay thế chấp, lãi suất cũng phải lên đến 18%/năm (dù thực tế thông báo là 15%) lại áp dụng theo biến động thị trường. Có nghĩa là, khi “mệnh lệnh”của NHNN về lãi suất 15% không còn, thì lãi suất này sẽ được thả nổi và lên rất nhanh.
Nhân viên này còn khẳng định thêm, trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay, hầu như rất ít ngân hàng cho vay tín chấp!
Hay như ở ngân hàng VIB, lãi suất cho vay tín chấp được ngân hàng thông báo ở mức 15%/năm theo như mệnh lệnh của thống đốc. Tuy nhiên, có một thực tế là ngân hàng dù muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, nhưng lại không mấy mặn mà với các khoản vay nhỏ này. Có lần, người viết đã chứng kiến cảnh một cô kiểm soát viên ở một chi nhánh phá lên cười nhạt khi nhận được thông tin khách hàng hỏi vay tín chấp!
Nhân viên tín dụng tại một số ngân hàng áp dụng hình thức cho vay tín chấp cũng thừa nhận, có nhiều khách hàng hỏi vay tiêu dùng nhưng các hợp đồng được thực hiện thì không đáng bao nhiêu. Trong khoảng chục hồ sơ, may ra được 1 hồ sơ đáp ứng yêu cầu để ngân hàng giải ngân. Khoản tiền cũng không được tối đa là 12 tháng lương như ngân hàng mời chào, mà thường từ 7 – 8 tháng lương. Lãi suất còn quá cao trong khi số tiền vay không được như ý có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động cho vay tiêu dùng còn đang ế ẩm./.