Bảo vệ đàn vật nuôi khỏi các dịch bệnh nguy hiểm

10:48, 14/08/2012

Năm nay, thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn vật nuôi không lớn như mọi năm. Dịch cúm gia cầm có xảy ra nhưng chỉ rải rác ở hơn 10 hộ dân của T.X Sông Công, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên. Bệnh tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn… xuất hiện lẻ tẻ ở một vài hộ gia đình. Duy chỉ có dịch tả ở lợn là xuất hiện có chiều hướng lây lan nhanh, nhưng số lợn bị bệnh chỉ trên 1.500 con, trong đó hơn 70% con đã được chữa khỏi.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y cho biết: Muốn phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả thì trước hết phải nâng cao ý thức của người chăn nuôi. Do đó, chúng tôi luôn coi trọng công tác tuyên truyền để mỗi người chăn nuôi tự biết bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình theo đúng yêu cầu của cơ quan chuyên môn.

 

Để kiểm chứng lời ông Vinh, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại một số trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn ở Phú Bình, Đồng Hỷ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các trang trại, gia trại đều tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh. Ấn tượng nhất là trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Chu Văn Xuân và bà Chu Thị Dung ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Ngay khi bước chân vào cổng đã thấy vôi bột được rắc trắng xóa. Vừa thấy anh Trần Thế Hiến, cán bộ của Trạm Thú y huyện Đồng Hỷ, người dân đường cho chúng tôi, chủ nhà đã chạy ra tay bắt, mặt mừng. Việc hướng dẫn các trang trại quy trình phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được cán bộ thú y thực hiện thường xuyên nên các chủ trang trại luôn xem cán bộ thú y như người nhà của họ. Ngỏ ý muốn được vào ghi lại hình ảnh ở khu chăn nuôi, bà Dung lưỡng lự mãi mới đưa cho chúng tôi những tấm áo trắng tinh và yêu cầu khách mặc vào. Khi dẫn chúng tôi vào khu vực chăn nuôi, bà còn xịt thuốc khử trùng cho khách rất cẩn thận. Bà chia sẻ: Anh, chị thông cảm, tôi phải thực hiện theo đúng nguyên tác để bảo vệ đàn lợn của gia đình. Nếu chỉ sơ ý một chút mà để đàn lợn nhiễm bệnh thì thiệt hại lớn lắm.

 

Chính vì nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên chăn nuôi theo mô hình trang trại 4 năm nay, chưa năm nào nhà bà Dung có lợn mắc bệnh.

 

Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho người chăn nuôi, hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh thì một trong những biện pháp được ngành Thú y quan tâm nhất để bảo vệ đàn vật nuôi là đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng cho đàn trâu, bò gần 190 nghìn liều vắcxin LMLM, đạt khoảng gần 80% kế hoạch, tiêm gần 100.000 liều tụ huyết trùng đạt trên 80% kế hoạch; trên đàn lợn tiêm phòng hơn 350.000 liều vắc xin dịch tả, hơn 152 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ dấu; gần 600 nghìn liều vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm; đàn chó tiêm phòng 5.200 liều vắcxin dại…

 

Năm nay, việc tiêm phòng các loại vắc xin được thực hiện sớm hơn mọi năm để đạt hiệu quả cao hơn trong phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đợt 1 và đợt 2 đều được đẩy lên 1 tháng (đợt 1 tiêm vào tháng 3, đợt 2 vào tháng 8). Các loại vắc xin lưu hành trên địa bàn tỉnh cũng được kiểm soát chặt chẽ, bắt buộc phải dán tem của Chi cục Thú y.

 

Ngoài ra, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y còn đẩy mạnh kiểm soát giết mổ động vật tại 80 chợ với số tiền thu được là hơn 370 triệu đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch động vật được trên 120 nghìn con gia súc, hơn 4,3 triệu con gia cầm các loại, hơn 650 nghìn quả trứng, gần 12 nghìn kg thịt các loại.