Trên cùng một cách đồng vận động bà con nông dân cấy cùng một loại giống lúa, cùng một thời điểm và đồng bộ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, qua đó giúp giảm chi phí và nâng cao giá trị trên 1 ha đất canh tác - Đó chính là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã và đang được triển khai có hiệu quả tại huyện Phú Lương.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” vừa triển khai thí điểm thành công trên cánh đồng Làng Lê, xã Động Đạt (Phú Lương), anh Lê Văn Trọng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Lương cho biết: “Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên việc dồn điền đổi thửa là việc làm khó khả thi vì địa hình tỉnh ta đồng ruộng không bằng phẳng như các tỉnh ở đồng bằng. Do đó, năm 2011 khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn Phú Lương thực hiện thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, chúng tôi đã bàn bạc và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia. Cánh đồng Làng Lê với diện tích trên 17ha được chọn làm thí điểm để triển khai mô hình với giống lúa BC15 - một giống lúa thuần mới có năng suất và chất lượng cao. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 25.000 đồng/kg thóc giống, 60% phân bón, 100% vôi bột để khử chua đồng ruộng, đặc biệt bà con còn được cán bộ Trạm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT huyện tư vấn, hướng dẫn cách gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch... Do áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch nên năng suất, chất lượng thóc được nâng lên. Trung bình năng suất đạt 2,8-3 tạ/sào, tăng 15% so với giống lúa khang dân cũ, chất lượng gạo thơm, ngon”.
Từ kết quả này, trong vụ xuân 2011, huyện tiếp tục khuyến khích bà con thực hiện trong năm 2012. Ông Nguyễn Mạnh Liên, Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân xóm Làng Lê, xã Động Đạt cho biết: “Để vận động 76 hội viên Chi hội Nông dân xóm Làng Lê tham gia mô hình, Chi hội đã tích cực tuyên truyền để hội viên hiểu được ý nghĩa của việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, đồng thời cán bộ các đoàn thể gương mẫu thực hiện trước, đối với những hộ chưa “thông” chúng tôi đến tận nhà để phân tích, vận động nên 100% các hộ đã tham gia triển khai ngay trong vụ xuân 2011 với giống lúa mới BC15. Bà đã con tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: máy cày, bừa, gieo sạ, máy phụt lúa khi thu hoạch… đã giúp giảm công lao động, cùng với đó việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng được thực hiện theo hướng an toàn cho môi trường và con người, nên đã mang lại hiệu quả không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà còn cải thiện được môi trường sống, tình trạng người dân sử dụng tràn lan các loại thuốc hoá học trừ sâu độc hại như trước đã không còn.”
Rời cánh đồng Làng Lê chúng tôi đến xóm Đồng Trầm, xã Động Đạt để tham quan mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại đây. Với diện tích 15 ha cánh đồng Đồng Trầm là nơi gieo trồng của nhân dân 3 xóm Đuổm, Đồng Nội và Đồng Trầm. Vụ mùa này, toàn bộ 15 ha đã được bà con gieo cấy cùng một loại giống BC15. Nhìn cánh đồng lúa đang kỳ ra nhánh xanh non mơn mởn anh Vũ Quý Thu, một nông dân xóm Đồng Trầm chia sẻ: “Tôi thấy việc triển khai theo mô hình này rất hay, trên cùng 1 cánh đồng mọi người cùng cấy 1 loại giống, cùng một thời điểm nên tình hình sâu bệnh giảm hẳn và việc phòng trừ sâu bệnh cũng rất thuận lợi, bà con tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sử dụng nên giảm được chi phí cho sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân”.
Hiệu quả việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn là rõ ràng, bởi với cách làm này đã giúp bà con giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhưng quan trọng hơn cả là đã làm cho người nông dân dần thay dổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, để hướng đến nền sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, để việc triển khai mô hình này có hiệu quả thì vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền. Trao đổi với chúng tôi ông Lương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Toàn xã có 23 xóm, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đang được xã tích cực triển khai, đến tháng 9-2012 xã sẽ hoàn tất công tác quy hoạch. Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xã vận động bà con triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để tiến đến xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh. Tuy nhiên, để xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, kịp thời có những cơ chế, chính sách phù hợp để kết nối người nông dân với doanh nghiệp thu mua chế biến”.
Từ thành công bước đầu của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở Động Đạt, vụ mùa năm nay Phòng NN&PTNT huyện Phú Lương tiếp tục mở rộng mô hình này ra các địa phương khác trên toàn huyện với các giống như: Sin6, TH3-3,Vn20, BC15 trên diện tích gần 230 ha. Với việc triển khai mô hình này, huyện Phú Lương mong muốn đây sẽ là một giải pháp quan trọng để giúp người nông dân từng bước xoá bỏ thói quen canh tác lạc hậu.
Ông Lương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt: Hiện nay, toàn xã có trên 470 ha diện tích cấy lúa nhưng mới có khoảng 20% có kênh mương được cứng hoá, nên để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, xã mong được sự quan tâm của Nhà nước theo cơ chế đối ứng để xã hoàn thiện hệ thống kênh mương nội động tạo thuận lợi bà con sản xuất. |
Ông Nguyễn Mạnh Liên, xóm Làng Lê, xã Động Đạt: Nhà tôi có 8 sào tôi đều thực hiện theo mô hình này, năng suất cây trồng cao, bà con trong xóm giờ không chỉ có đủ thóc ăn mà còn có dư thừa để bán nhưng vấn đề đầu ra sản phẩm không ổn định hay bị tư thương ép giá nên chúng tôi rất mong có sự quan tâm của các cấp, ngành để sản phẩm người nông dân làm ra có đầu ra ổn định. |