Trong lúc ngành công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang khó khăn như giai đoạn hiện nay thì chỉ cần một tác động hỗ trợ dù là nhỏ của Nhà nước cho khu vực này cũng rất đáng quý. Những năm gần đây, Chương trình khuyến công của tỉnh đã làm được điều mà ngành công nghiệp cũng như cộng đồng các doanh nghiệp đang rất cần đó là hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo năng cao trình độ chuyên môn người lao động, thông tin quảng bá sản phẩm công nghiệp…
Chúng tôi xin nêu một vài trường hợp cụ thể về sự tác động mang tính chất đòn bẩy đối với sự phát triển của doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến công được triển khai trên địa bàn. Trường hợp thứ nhất là của Công ty CP Thương mại và Sản xuất thép gang, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Nguyên Gon (T.X Sông Công). Đây là đơn vị chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm thép gang, mua bán sắt thép xây dựng, thép phế liệu và vật tư máy móc thiết bị phục vụ ngành cơ khí luyện kim. Năm 2010, Công ty này đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền đúc và gia công cơ khí”. Dự án có quy mô 18.000m2, tổng đầu tư 17,1 tỷ đồng, trong đó một phần kinh phí được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Nhận thấy nhu cầu thị trường hiện đang rất cần các sản phẩm đúc phục vụ chế tạo thiết bị, nên Công ty đã quyết định phối hợp đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Khi thực hiện Dự án, chúng tôi nhận được sự trợ giúp kịp thời từ Chương trình khuyến công tỉnh. Mặc dù nguồn hỗ trợ không lớn, chỉ mấy trăm triệu đồng nhưng chính điều đó lại có tác dụng tạo đà để doanh nghiệp quyết tâm đầu tư phát triển. Nói về tính ưu việt của công nghệ mới đầu tư, ông An Duy, Giám đốc Công ty thông tin: So với các sản phẩm nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan) hiện nay thì trục cán thép, gang của đơn vị vượt trội hơn hẳn về chất lượng. Trục nhập ngoại chỉ làm cứng một lớp mỏng trên bề mặt nên chỉ sử dụng được một vài lần là phải loại, trong khi trục của đơn vị có độ cứng xuyên tâm nên có thể dùng nhiều lần mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Với Dự án này, dự kiến doanh thu của đơn vị sẽ đạt trên 14 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động.
Trường hợp tiếp theo là của HTX chè La Bằng (Đại Từ). Chính sự trợ giúp kịp thời từ nguồn vốn khuyến công (124 triệu đồng, thực hiện 2 đề án phát triển cây chè) đã giúp HTX này vượt qua được những khó khăn trước mắt, góp phần ổn định tư tưởng người làm chè địa phương. Theo đánh giá của Ban quản trị HTX thì nguồn vốn khuyến công đã giúp HTX nâng cao tay nghề cho các xã viên, tăng giá trị sản xuất chè hàng năm cho các gia đình. Điều quan trọng là nhờ sự tiếp sức của chương trình khuyến công mà HTX đã thu hút được thêm hàng trăm triệu đồng từ nguồn đóng góp của xã viên. Cũng nhờ đó mà nhiều công nghệ, thiết bị máy móc phục sản xuất chè theo hướng hiện đại đã được đầu tư; không ít mô hình làm chè an toàn quy mô lớn cũng nhờ đó mà mọc lên…
Còn rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh khác trong tỉnh cũng đã được đón nhận sự trợ giúp từ các chương trình khuyến công. Riêng đối với địa bàn T.P Thái Nguyên, địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất tỉnh hiện nay, trong 5 năm qua cũng đã triển khai hàng chục đề án từ nguồn kinh phí hỗ trợ của chương trình khuyến công địa phương. Trong đó, nổi bật nhất là sự trợ giúp 110 triệu đồng cho Nhà máy chè Tân Cương – Hoàng Bình để đơn vị này đầu tư dây chuyền đóng gói trà túi lọc theo công nghệ mới, hiện đại. Tiếp theo là hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng mô hình kỹ thuật chế biến bảo quản chè theo công nghệ chân không cho HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân. Hỗ trợ trên 265 triệu đồng giúp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tâm Hoàng, xã Thịnh Đức…
Cũng nhờ các chính sách khuyến công mà sự phối hợp đào tạo của các trường dạy nghề công nghiệp với các doanh nghiệp trong tỉnh cũng chặt chẽ hơn. Chỉ riêng Trường trung cấp nghề Nam Phổ Yên, hơn 5 năm qua đã đào tạo được gần 1.500 lao động theo chương trình khuyến công, cung cấp một lượng đáng kể lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hợp đồng trước với Nhà trường để đào tạo lao động theo nhu cầu.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, Chương trình khuyến công đã thực hiện được tổng số 159 đề án trên địa bàn tỉnh với số kinh phí hỗ trợ hơn 16,6 tỷ đồng. Đã có 53 đề án về đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề được triển khai; 11 đề án về nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị, doanh nghiệp; 69 đề án về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; 5 đề án về phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu; 14 đề án về phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin...
Ông Hứa Văn Bình, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Mặc dù là huyện vùng cao song thời gian qua huyện cũng đã triển khai 12 đề án khuyến công với kinh phí gần 700 triệu đồng. Các chính sách khuyến công đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động khá mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Nhờ chương trình này mà ngành công nghiệp vốn rất nghèo nàn của huyện có thêm động lực duy trì ổn định và phát triển.