Đại lý hay doanh nghiệp găm hàng chờ tăng giá?

14:58, 17/08/2012

Thực chất thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh về giá, doanh nghiệp đầu mối “nhìn nhau” chi phối thị trường, khó tránh gây ra việc găm hàng chờ tăng giá.

Có hiện tượng găm hàng

 

Thời gian qua, dư luận và truyền thông liên tục phản ánh nhiều cây xăng có biểu hiện đóng cửa, ngừng bán hàng hoặc bán cầm chừng một cách bất thường. Liên quan đến động thái này, trả lời báo giới, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, đợt tăng giá xăng ngày 13/8, có dấu hiệu các doanh nghiệp đầu mối găm hàng, chờ tăng giá.

 

Chứng minh cho nhận định này, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khi kiểm tra các đại lý, cửa hàng xăng dầu hai ngày trước khi tăng giá xăng đã xác minh tại một số cây xăng trên địa bàn ngoại thành Hà Nội cho thấy các bồn xăng đều cạn kiệt, kiểm tra tận nơi, lượng xăng còn lại rất ít, không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. “Đây là dấu hiệu khẳng định các doanh nghiệp đầu mối găm hàng, chờ tăng giá”- ông Lộc nhận định.

 

Nhiều đại lý xăng thiếu nguồn cung do doanh nghiệp đầu mối

 

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều báo, tính đến ngày 15/8, cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện ở phía Bắc có 1 cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Hòa Lạc (Hà Nội), 1 cửa hàng ở Hà Nam, 10 cửa hàng ở Vĩnh Phúc ngừng bán hàng với lý do doanh nghiệp đầu mối không cung ứng hàng. Đồng thời, tại nhiều tỉnh thành khác như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế hiện nay, bên cạnh việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dễ dàng tiếp cận thông tin về giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có nhập khẩu xăng trực tiếp, đồng thời với cơ chế cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá theo tần suất 10 ngày sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng xảy ra hiện tượng trên.

 

Đây chính là kẽ hở để chính doanh nghiệp đầu mối lên kế hoạch gom hàng, chờ thời điểm tăng giá. Bởi doanh nghiệp nắm được thời điểm được phép tăng và mức tăng, chủ động biết nguồn hàng nên họ rất dễ dàng thu gom.

 

Theo ông Lộc, “qua kiểm tra chúng tôi rất thông cảm với các đại lý, việc thiếu nguồn cung do doanh nghiệp đầu mối. Trong trường hợp này không có lý gì xử phạt các cửa hàng, đại lý”.

 

Như vậy, rõ ràng nếu cửa hàng, đại lý không có lỗi thì lỗi phải thuộc về doanh nghiệp đầu mối và hậu quả đã dội trực tiếp lên đầu khách hàng tiêu dùng xăng hằng ngày.

 

Doanh nghiệp nhìn nhau để… cạnh tranh?

 

Thực tế trên khiến khách hàng có quyền đặt câu hỏi rằng, tại sao cơ quan quản lý không có biện pháp can thiệp để minh bạch thị trường, giảm khó cho người tiêu dùng?

 

Trong khi chưa có được câu trả lời cụ thể từ cơ quan chức năng thì không khó để dư luận và các chuyên gia nhận định và nghi vấn về việc có sự liên kết ngầm hay chí ít là sự “nhìn nhau” của các doanh nghiệp khi ấn định giá xăng.

 

Bởi thực tế các đợt tăng giá vừa qua, các doanh nghiệp đều đưa ra mức giá sàn sàn nhau. Ngay trong tháng 8, đợt tăng giá 1.100 đồng/lít vào ngày 13/8 là lần tăng giá thứ hai và là lần thứ 3 từ khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định về giá. Và, việc tăng giá luôn được thực hiện nhanh hơn, nhiều hơn so với những đắn đo trước khi giảm giá và giảm nhỏ giọt từng xảy ra.

 

Nếu nói trao quyền tự quyết về giá cho doanh nghiệp để góp phần tạo ra thị trường cạnh tranh, nhưng mức giá chưa có sự chênh lệch giữa các nhà phân phối thì chưa thể nói là cạnh tranh và người tiêu dùng khó mà được hưởng lợi.

 

Công bằng mà nói, trên thị trường hiếm có mặt hàng nào giá bán và thời điểm tăng, giảm giá lại khá thống nhất như đang diễn ra với xăng dầu ở nước ta. Như vậy, trên thị trường xăng dầu gọi là có giá cạnh tranh nhưng thực chất người tiêu dùng không hề có quyền lựa chọn khi các cây xăng đều có giá bán như nhau.

 

Các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thực chất chưa có sự cạnh tranh về giá của mặt hàng này là vì tất cả đều phụ thuộc vào doanh nghiệp chi phối là Petrolimex (chiếm thị trường rộng lớn, các doanh nghiệp khác phải phụ thuộc vào mức giá họ đặt ra) và chuyện găm hàng chờ tăng giá nằm trong tầm tay doanh nghiệp.

 

Điều này được minh chứng rõ nhất ở con số 60% thị phần trên cả nước đang do Petrolimex nắm. Cho nên, việc các doanh nghiệp khác “nhìn” Petrolimex để tăng hay giảm giá cũng là điều dễ hiểu.

 

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học, Thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng việc các doanh nghiệp cùng tăng ở một mức giá do trên thị trường hiện Petrolimex là đơn vị độc quyền, chiếm thị phần lớn nên các đơn vị phải theo, không theo thì không có khả năng trụ được./.