Trên 700 con lợn ốm ở huyện Đại Từ đã được kết luận là mắc dịch tả, đến nay gần 400 con đã được điều trị khỏi bệnh. Hiện, cơ quan thú y đang phối hợp với các xã, thị trấn tích cực hướng dẫn bà con phương pháp điều trị cho số lợn còn mắc bệnh, đồng thời tập trung tiêm phòng dịch đợt 2 cho tất cả đàn lợn trong huyện và khử trùng tiêu độc ở các khu vực chăn nuôi để bệnh không lây lan thêm.
Những ngày gần đây, dịch bệnh xuất hiện trên đàn lợn ở một số xã trong huyện Đại Từ đã khiến người dân hoang mang. Một số hộ đã bán rẻ khi lợn có dấu hiệu mắc bệnh, nhiều người dân không dám mua thịt lợn ở chợ vê ăn do lo sợ mua phải lợn mắc bệnh tai xanh. Tuy nhiên, thực tế không phải như những gì người dân đang lo lắng.
Ông Bùi Văn Trường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đại Từ cho biết: Ngày 24-7-2012, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở huyện cho thấy tình trạng lợn ốm, chết là do mắc dịch tả. Theo thống kê của Trạm Thú y thì toàn huyện có 776 con lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh này thuộc 83 hộ dân ở 38 xóm của 13 xã, như: Khôi Kỳ, Tiên Hội, Hoàng Nông, Bản Ngoại… Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do thời tiết nắng nóng kéo dài, thêm vào đó một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do chủ quan nên không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, huyện đã phân công các cán bộ khuyến nông cơ sở, tổ trưởng mạng lưới thú y, trưởng các xóm, bản thường xuyên kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh. Các tổ thú y thực hiện tiêm phòng vét, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin như: dịch tả, tụ dấu cho những đàn lợn chưa được tiêm. Đồng thời, nghiêm cấm người chăn nuôi bán chạy lợn bệnh, lợn chết, khi có lợn chết phải đem chôn dưới sự giám sát của tổ trưởng mạng lưới thú y và địa diện chính quyền địa phương.
Đặc biệt, các địa phương tập trung bao vây dập tắt ổ bệnh bằng biện pháp cách ly lợn ốm để theo dõi, điều trị, sử dụng vôi bột và hóa chất để vệ sinh tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi, cho uống đầy đủ nước sạch có pha thêm điện giải, các loại thuốc bổ và tiêm kháng sinh cho lợn mắc bệnh… Thực hiện hướng dẫn của Trạm Thú y, nhiều gia đình có lợn mắc bệnh đã điều trị khỏi. Tính đến nay, 384 con lợn đã được điều trị khỏi, 169 con đang tiếp tục điều trị, còn lại 223 con đã chết, chủ yếu là lợn con đang bú mẹ.
Gia đình anh Đoàn Văn Chóng, xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội đã chữa khỏi bệnh cho cả đàn lợn gần 100 con của gia đình. Anh Chóng cho biết: Gia đình tôi mới đầu tư mô hình chăn nuôi lợn được 2 năm, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn nên lứa lợn này, tôi đã chủ quan không tiêm vắc xin phòng dịch tả. Hậu quả là cả đàn lợn 94 con (bao gồm 4 con lợn nái, còn lại là lợn thịt) đều bị dịch. Ban đầu tôi rất hoang mang, lo sợ, bởi nếu mất cả đàn lợn này thì chắc tôi phá sản bởi phần lớn số tiền đầu tư vào chăn nuôi là tôi vay ngân hàng. Ban đầu, nghe một số người xui, tôi cũng định bán tháo đi để thu được đồng nào hay đồng nấy, nhưng sau khi được cán bộ của Trạm Thú y đến xác định bệnh và hướng dẫn 4 bước điều trị, tôi đã làm theo. Sau một thời gian điều trị, đàn lợn dần dần hồi phục, hiện chúng đã hết sốt và ăn uống bình thường trở lại…
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch lây lan và điều trị bệnh cho lợn, nên đến thời điểm này, dịch tả lợn trên địa bàn huyện đã cơ bản được khống chế, số lợn mắc bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu không thực hiện tốt công tác phòng dịch, có thể dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Đại Từ đã triển khai sớm việc tiêm phòng dịch cho toàn đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2012 sớm hơn dự kiến hơn 1 tháng, trong đó thực hiện tiêm phòng cho lợn trước.
Với hình thức tiêm cuốn chiếu, thống kê đến đâu tiêm đến đó, tiêm một cách triệt để, không bỏ sót các đàn gia súc, gia cầm, đến thời điểm này, các tổ thú y đã hoàn thành chương trình tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm với gần 35 nghìn liều vắc xin phòng dịch tả và gần 32 nghìn liều vắc xin tụ dấu lợn. Dự kiến đến hết tháng 8, 100% gia súc, gia cầm của huyện sẽ được tiêm phòng đợt 2. Cùng với đó, huyện cũng đã cấp 60 tấn vôi bột, 147 lít hóa chất cho các xã để rắc và phun khử trùng tiêu độc tại các chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi nhằm diệt mầm bệnh, tránh nguy cơ lây lan.
Để khôi phục lại đàn lợn, cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo người chăn nuôi dùng vôi bột rắc đều trong nền chuồng và khu vực xung quanh chuồng nuôi, hòa nước vôi quét tường chuồng và để chống chuồng ít nhất 15 ngày, sau đó mới nhập đàn mới về nuôi. Khi nhập đàn mới về, phải rội rửa sạch nền chuồng, không để vôi trong chuồng làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn lợn.