Vài năm trở lại đây, phát huy thế mạnh là khu trung tâm của huyện Phổ Yên, thị trấn Ba Hàng đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển và đa dạng các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thương mại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đi một vòng quanh chợ Ba Hàng, chúng tôi nhận thấy khung cảnh người bán, người mua tấp nập. Khác hẳn với vẻ lụp xụp và tối tăm của 2 năm về trước, chợ nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, có bày bán đủ các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: Hàng nông sản, đồ may mặc, giày dép, công cụ sản xuất nông nghiệp… Đồng chí Lê Danh Khiêm, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Năm ngoái, khi phối hợp cùng với đơn vị thi công triển khai xây dựng khu chợ mới này, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi việc kinh doanh ở khu chợ mới được xây dựng giá thuê ki ốt cao hơn ở chợ cũ, hơn nữa 1 số hộ dân chưa hiểu rõ chủ trương nên không đồng tình. Trước tình hình trên, cùng với sự phối hợp vào cuộc của huyện, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành việc di dời từ chợ cũ sang khu chợ mới. Đến nay chợ đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút hơn 400 hộ kinh doanh buôn bán.
Ngoài kinh doanh tại chợ Ba Hàng, những dãy nhà dọc theo Quốc lộ 3, người dân cũng khai thác lợi thế, đầu tư phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh như: Xưởng sản xuất cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh… Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở sản xuất cơ khí tổng hợp ở Tiểu khu 4 cho biết: Ban đầu, cơ sở của gia đình chỉ có 2 vợ chồng tôi làm, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng phục vụ xây dựng. Dần dà làm ăn có kinh nghiệm, được chính quyền địa phương tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mặt bằng, tôi đã mở xưởng sản xuất cơ khí với diện tích hơn 100m2. Hiện, cơ sở chúng tôi đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 lao động với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình tôi cũng luôn đóng thuế đầy đủ.
Với những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của tỉnh, huyện, thị trấn đã tạo môi trường ổn định về an ninh trật tự cùng với sự đồng tình hưởng ứng của người dân cho các dự án thuê mặt bằng, đầu tư sản xuất trên địa bàn. Hiện nay, thị trấn đã và đang thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến Tỉnh lộ 261 dài 1,3 km, tuyến đường từ tiểu khu 4 đến khu dân cư Lê Hồng Phong, xây dựng khu Trung tâm hành chính - kinh tế - dịch vụ… Ngoài ra, để khuyến khích người dân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, tạo điều kiện để bà con được vay vốn thông qua ủy thức từ các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Khi đã có vốn, các hộ dân tập trung phát triển và mở rộng các ngành nghề có lợi thế như: Sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến chè búp khô, kinh doanh nhà hàng ăn uống, khách sạn, cơ khí, dịch vụ thương mại tổng hợp, các dịch vụ tin học, điện thoại, internet…
Ông Lê Việt Cường, Trưởng Tiểu khu 4 cho biết: Tiểu khu có 170 hộ với trên 600 nhân khẩu, chủ yếu phát triển kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Ngoài vận động bà con tham gia nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, chúng tôi còn khuyến khích các hộ dân không lấn chiếm hành lang lề đường làm nơi buôn bán và giữ gìn an ninh trật tự.
Với những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, đến nay, toàn thị trấn đã có trên 1.200 hộ cá thể kinh doanh dịch vụ - thương mại (tăng 700 hộ so với năm 2005), mỗi năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ đồng. Năm 2011, tỷ trọng thương mại - dịch vụ đã chiếm 74,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm 21,1%, nông nghiệp chỉ còn chiếm 4%. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12 triệu đồng/người/năm (2005) lên 32,2 triệu đồng/người/năm hiện nay.