Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có hiện tượng lợn ốm, chết với những triệu chứng nghi mắc các bệnh: Dịch tả lợn, tụ huyết trùng, sưng phù đầu... Trước tình hình đó, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm hướng dẫn người dân tiêu hủy số lợn chết và ngăn chặn không để phát sinh những hiện tượng trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Mạnh, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đồng Hỷ cho biết: Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện hiện có khoảng 65.000 con, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Linh Sơn, Hợp Tiến, Hóa Trung…Từ trung tuần tháng 7 đến nay, hiện tượng lợn ốm, chết đã xuất hiện tại 4 xã: Linh Sơn, Minh Lập, Văn Lăng, Hóa Thượng với các biểu hiện bệnh trên đàn lợn như: Sốt cao, da bị mẩn đỏ, ho, bỏ ăn, tiêu chảy…Nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên chủ yếu là do thời tiết diễn biến bất thường và công tác tiêm phòng, vệ sinh thú y chưa đảm bảo dẫn đến làm giảm sức đề kháng của đàn lợn.
Ngay sau khi nhận được thông tin lợn ốm, chết, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa bàn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp điều trị lợn ốm, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh chết, phun khử trùng tiêu độc tại khu vực tiêu hủy và khu vực chăn nuôi. Tính đến nay, cán bộ của Trạm Thú y huyện đã hướng dẫn các địa phương tiêu hủy gần 50 con lợn chết và tiếp tục theo dõi, điều trị 150 con lợn đang có biểu hiện mắc bệnh.
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Quang, ở xóm Đồng Thịnh, xã Hóa Thượng (địa phương xảy ra hiện tượng lợn ốm, chết đầu tiên trên địa bàn huyện), đây là hộ bị thiệt hại nặng nhất với tổng số 17 con lợn chết, trong đó có 2 con lợn nái. Dẫn chúng tôi đi xem khu chuồng nuôi chỉ còn 3 con lợn sữa, ông Quang cho biết: Gia đình tôi thế là coi như mất trắng, thu nhập chủ yếu trông vào gần 3 sào ruộng và đàn lợn 20 con thì bị chết mất 17 con rồi. Mười ngày trước, vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ khi thấy lợn có biểu hiện sốt, ho rồi bỏ ăn. Chúng tôi mua hết hơn 1 triệu tiền thuốc về tiêm và phun thuốc khử trùng tiêu độc nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Chỉ trong vòng 1 tuần mà gia đình tôi bị thiệt hại đến gần 40 triệu đồng.
Trong số các xã có lợn ốm, chết thì Minh Lập là địa phương duy nhất thực hiện tiêm thuốc và phun khử trùng tiêu độc kịp thời cho đàn lợn nên đã khống chế được hiện tượng lợn chết. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có trên 2 nghìn con lợn. Sau khi nhận được thông tin có lợn ốm tại 5 hộ dân, xã đã cử cán bộ thú y xuống tận nơi để kiểm tra và hướng dẫn bà con tiêm thuốc chữa bệnh cho lợn. Tính đến thời điểm này, gần 20 con lợn có hiện tượng bị đi ngoài, bỏ ăn của các hộ đã trở lại bình thường, các đàn lợn khác cũng phát triển tốt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy hiện tượng lợn ốm, chết hàng loạt trên địa bàn huyện đã cơ bản được khống chế và không có thêm trường hợp mới phát sinh nhưng vẫn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bà con nông dân. Trước tình hình đó, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện nhiều biện pháp hướng dẫn cho bà con cách chủ động phòng, chống, chữa trị cho đàn lợn như: Kiện toàn lại Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Cấp gần 70 lít hóa chất cho các khu vực có lợn ốm, chết để thực hiện phun khử trùng tiêu độc. Tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm cho gần 200 người dân ở các địa phương có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Tăng cường công tác giám sát chủ động trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời ổ dịch khi mới xuất hiện để áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhằm bao vây, khống chế và dập dịch không để lây lan, phát tán. Tuyên truyền cho người dân biết khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng hay vận chuyển, mua bán ra ngoài mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương biết để hướng dẫn xử lý kịp thời…