Không chỉ là giảm lãi suất

08:01, 30/08/2012

Từ ngày 15/7/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm để tiếp tục giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Theo đó, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang rà soát để hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức như trên.

Theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên: Qua báo cáo nhanh của 10 ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tổng dư nợ đến ngày 15/7 của các ngân hàng trên là 10.468 tỷ đồng; đến 25/8, dư nợ của khách hàng đã được điều chỉnh lãi suất về 15%/năm là 7.347 tỷ đồng; dư nợ còn lại các ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản vay về lãi suất tối đa 15% trong tháng 10-2012. Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất trong những tháng qua đã góp phần hỗ trợ DN giảm được chi phí, duy trì SXKD…

 

Tuy nhiên qua tìm hiểu ở một số DN, chúng tôi được biết: Vốn là yếu tố quan trọng  trong hoạt động SXKD của DN, nhưng vào thời điểm này, vốn chưa phải là  yếu tố hàng đầu nhằm giúp DN vượt qua khó khăn. Mặc dù từ tháng 4 đến nay, ngành Ngân hàng đã nhiều lần hạ lãi suất để hỗ trợ DN, nhưng qua 4 tháng, theo đánh giá của Sở Công Thương, nhìn lại bức tranh công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan: Sau Quý I/2012, sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm; tháng 4 và tháng 5 có dấu hiệu phục hồi, nhưng tháng 7 và tháng 8 lại có dấu hiệu sụt giảm, nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng giá trị lớn, đặc biệt là các sản phẩm thép, gạch, than tiêu thụ rất chậm, lượng hàng tồn kho lớn (riêng sản lượng thép trong tháng 7 chỉ đạt 31,4 nghìn tấn, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm trước, lượng thép tồn kho đến đầu tháng 8 còn trên 50 nghìn tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Về sản phẩm xi măng, mức tiêu thụ trong tháng 7 khá hơn (tăng 33% so với cùng kỳ), nhưng mức tồn kho đến tháng 8 vẫn còn khoảng 60 nghìn tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ.

 

Không riêng sản xuất công nghiệp mà hoạt động thương mại, dịch vụ cũng không sáng sủa gì. Ông Trần Huy Luân, Giám đốc Siêu thị Minh Cầu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên cho biết: các mặt hàng công nghệ phẩm tiêu thụ rất chậm, nhất là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng cao cấp… sức mua giảm mạnh. So với thời điểm tháng 4, sức tiêu thụ hàng hóa vào thời điểm hiện tại không có gì chuyển biến…

 

Vấn đề mấu chốt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN lúc này chính là làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm. Thế nhưng, hầu hết các DN đều đang bế tắc, nhất là các DN SXKD nhóm mặt hàng cơ khí, vật liệu xây dựng. Qua tìm hiểu ở Công ty TNHH Hương Đông (tại Khu công nghiệp Sông Công) được biết: Đây là đơn vị chuyên luyện thép. Những năm trước, mỗi tháng Công ty sản xuất và tiêu thụ bình quân 2.500 tấn/sản phẩm. Nhưng từ đầu năm đến nay, do nguồn nguyên liệu (chủ yếu nhập khẩu) giảm; tiêu thụ khó khăn nên Công ty chỉ sản xuất bình quân 1.700 tấn/tháng; tiêu thụ bình quân 1 nghìn tấn/tháng. Từ tháng 7 đến nay, Công ty đã tồn kho đến 2.800 tấn sản phẩm. Mặc dù Công ty được Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (NHĐTPTTN) cho vay với hạn mức đến 50 tỷ đồng, cũng là đơn vị được áp dụng mức lãi suất 12%/năm ngay từ tháng 4-2012, nhưng do khả năng tiêu thụ chậm nên Công ty cũng không sử dụng hết hạn mức tín dụng, hiện tại đang vay với dư nợ trên 10 tỷ đồng.

 

Đối với Công ty cổ phần Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (tại xã Đắc Sơn, Phổ Yên), đơn vị chuyên sản xuất kết cấu thép, téc chứa xăng dầu, từ năm 2011 trở về trước đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng, nhưng từ đầu năm đến nay đã giảm xuống còn 2,5 tỷ đồng. Đây là đơn vị vẫn duy trì sản xuất khá, song theo anh Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty cho biết: DN duy trì được hoạt động là do hầu hết các hợp đồng đều được ký từ tháng 11-2011. Từ đầu năm 2012 đến nay, Công ty chưa ký được hợp đồng mới nào, chỉ có vài đơn hàng nhỏ lẻ. DN cũng đưa ra nhiều cơ chế nhằm thu hút khách hàng như: Giảm giá từ 5 đến 10% hoặc tăng cường khâu maketting, nhưng khách hàng đều không mua do không có vốn đầu tư. Do vậy, công suất của Công ty giảm xuống còn 70% so với cùng kỳ năm trước; số lao động phải giảm từ 120 người xuống còn 80 người. Công ty cũng được NHĐTPTTN cho vay với hạn mức tín dụng năm nay là 26 tỷ đồng, hiện Công ty đang sử dụng hết nguồn vay trên với lãi suất khoản vay mới là 12%/năm; các khoản vay cũ đều trở về mức 15%/năm từ ngày 15-7-2012 (trước đây lãi suất vay từ 17 đến 18%/năm). Như vậy, mỗi tháng chúng tôi đã giảm từ chi phí tiền vay được khoảng 80 triệu đồng so với trước, vì thế có thêm điều kiện để đầu tư mua sắm trang thiết bị; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng; chi phí cho hoạt động maketting…      

 

Theo ý kiến của đại diện nhiều DN: Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hạ lãi suất ngân hàng; giãn, giảm thuế hỗ trợ DN, song, các DN chưa kịp mừng thì đã “cụt hứng” vì đi đôi với chính sách “nới lỏng” trên, giá điện, giá xăng lại tăng, làm cho chi phí đầu vào của DN tiếp tục “đội” lên. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hương Đông cho tôi một phép tính rất nhanh: Hiện, Công ty đang vay với dư nợ 10 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, mỗi tháng Công ty giảm được 50 triệu đồng tiền lãi so với trước đây vay lãi suất 18%; nhưng từ tháng 7-2012, do giá điện tăng nên công ty đã mất thêm 100 triệu đồng tiền điện/tháng. Đó là chưa kể xăng lại vừa tăng giá làm cho DN tiếp tục mất thêm một khoản do chi phí vận chuyển tăng lên…

 

DN kho khăn không chỉ là nỗi lo của DN mà còn tác động đến hoạt động của ngân hàng vì dòng vốn khơi thông chậm. Hiện nay, các ngân hàng rất mong được “khơi thông” nguồn vốn song cũng đang gặp nhiều trở ngại: Do ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn đồng vốn và thực hiện các quy định về cho vay vốn nên chỉ đáp ứng cho vay với các DN có đủ các tiêu chí; còn với DN đã bên bờ phá sản thì khó mà tiếp cận được. Bên cạnh đó, cũng do không tiêu thụ được sản phẩm nên một số  DN tuy được vay vốn với lãi suất rất thấp (12%/năm) nhưng không sử dụng hết hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, một số DN cho rằng mức lãi suất cho vay 12%/năm vẫn còn cao nên không muốn đầu tư SXKD trong lúc này; nếu lãi suất hạ xuống 9% đến 10% mới tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn…