Kinh doanh khó khăn càng phải giữ chữ “tín”

08:05, 17/08/2012

Theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên thì bên cạnh những tác động của việc hạn chế chi tiêu công, trong thời gian dài, lãi suất huy động cao đã thu hút lương lớn tiền của người dân gửi vào các ngân hàng, làm hạn chế rất lớn việc mua sắm. Hơn nữa, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân hay có tâm lý đề phòng, không mạnh dạn chi cho mua sắm. Vì vậy, vấn đề đầu ra sản phẩm là một “bài toán” khó đối với các DN nói chung và DN TM nói riêng trong lúc này…

Trước tình hình này, các DN TM trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm và áp dụng những giải pháp kinh doanh nhằm vượt qua suy thoái, đón đợi sự khởi sắc của thị trường. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, những giải pháp được nhiều DN TM áp dụng trong thời điểm này là: Tìm cách phát huy tối đa thế mạnh của riêng mình; đầu tư, chăm sóc nhằm duy trì khách hàng truyền thống, củng cố niềm tin với khách hàng và người lao động của đơn vị… Dưới đây là một vài ví dụ như thế.

 

Với lợi thế kinh doanh đa ngành nghề (trong đó mặt hàng chiến lược là sắt thép và các loại vật tư công nghiệp), Công ty TNHH An Lộc Sơn đã khá thuận lợi trong việc xoay xở để đảm bảo doanh số, lợi nhuận và việc làm cho trên 20 lao động. Nắm bắt được xu hướng sụt giảm nhu cầu sắt thép nên từ năm 2011, Công ty đã chủ động giảm mạnh việc nhập vào mặt hàng này, tìm cách tăng doanh số bán hàng các loại vòng bi, vật tư công nghiệp (mặt hàng đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường), nên 6 tháng đầu năm, doanh số bán các loại sản phẩm này tăng 179% so với cùng kỳ. Đê chủ động đón thời cơ khi thị trường “ấm” lên, Công ty đặc biệt quan tâm tới khâu chăm sóc, duy trì khách hàng truyền thống, với khẩu hiệu “đồng hành cùng khách hàng” - đảm bảo chất lượng các sản phẩm do mình cung cấp, chấp nhận cho khách hàng nợ vốn lâu hơn bình thường…

 

Với nhận thức, nhân lực là tài sản quý giá của DN nên Công ty thực hiện việc đảm bảo tất cả các chế độ cho người lao động theo quy định, đồng thời tăng lương đều đặn (thu nhập trung bình của người lao động tăng từ 3,1 triệu đồng/người/tháng năm 2011 lên 4,3 triệu đồng hiện nay)… Cũng là một đơn vị kinh doanh đa ngành nghề (nhưng chủ yếu là nhập khẩu, phân phối sắt thép phế liệu), Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt đang nỗ lực bù đắp doanh số (do sự sụt giảm nhu cầu của những đối tác chiến lược) bằng cách tìm những bạn hàng mới, nhỏ hơn trên khắp các thị trường.

 

Mặc dù doanh số giảm trên 20% so với cùng kỳ nhưng Doanh nghiệp tư nhân Kinh doanh - Sản xuất - Xây dựng Cường Lan vẫn được đánh giá là đơn vị giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh, đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay. DN xác định rõ thế mạnh của mình là sản xuất và phân phối các loại vật tư cho ngành công nghiệp khai khoáng, với nhiều bạn hàng truyền thống là những đơn vị khai khoáng lớn trên địa bàn tỉnh để tập trung đầu tư vào đó.

 

Cũng như nhiều DN TM khác, bên cạnh việc đề phòng những rủi ro không đáng có (tránh những giao dịch mạo hiểm với khách hàng mới), DN tăng cường đầu tư cho khách hàng truyền thống bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ vận chuyển và cho họ chậm vốn lâu hơn. Theo Giám đốc Lê Mạnh Cường thì đó là một cách quảng bá sản phẩm hiệu quả, thông qua sự lan truyền thông tin giữa các khách hàng, là chiến lược lâu dài của DN, cũng là sự chuẩn bị sẵn đầu ra khi tình hình khởi sắc.

 

Sau một thời gian tăng trưởng khá nhanh, từ năm 2010 đến nay, doanh số bán hàng của Công ty TNHH Dũng Thành (kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện máy) liên tục giảm, giá trị hàng tồn kho hiện khoảng 10 tỷ đồng. Trước tình hình này, Công ty tăng cường thực hiện các hình thức khuyến mại, giảm giá với sự hỗ trợ tài chính của các hãng cung cấp sản phẩm (trước đó, mỗi năm thường chỉ tổ chức 1 đợt nhưng gần đây thường là 4 đến 5 đợt/năm); quan tâm hơn đến khâu tư vấn, chăm sóc khách hàng sau bán sản phẩm với quan điểm “dịch vụ hậu mãi chính là thứ để tạo lòng trung thành cho khách hàng” - Công ty có trung tâm bảo hành riêng và thực hiện bảo hành tại nhà cho khách hàng; quan tâm đào tạo đội ngũ nhân sự, đồng thời tiết giảm “hết cỡ” những chi phí có thể …

 

Bên cạnh những giải pháp kinh doanh mà các DN trên đang áp dụng khá hiệu quả, chúng tôi nhận thấy một điểm chung và cũng là yếu tố quyết định đến sự tồn tại, đứng vững của các DN này là nguồn vốn tự có dồi dào nên không phụ thuộc nhiều, không chịu áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng. Mặt khác, theo ý kiến của bà Lưu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH An Lộc Sơn: “Trong khó khăn bao giờ cũng tiềm ẩn những vận hội, vượt qua khó khăn và nắm được vận hội là tố chất, bản lĩnh của những doanh nhân thành đạt, những DN thành công”.