Loạn giá vàng đã có thuốc đặc trị

07:34, 27/08/2012

Thời gia tới, theo dự đoán của các chuyên gia, giá vàng trong nước sẽ bám sát giá thế giới và mức chênh lệch có thể sẽ thu hẹp dần.

Tuần này giá vàng trong nước biến động tăng mạnh từ khoảng 42 triệu đồng đầu tuần, tăng mạnh lên chạm mốc 45 triệu vào ngày thứ Năm sau đó lại điều chỉnh giảm khoảng nửa triệu trong ngày thứ 6.

 

Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng đột ngột tăng cao trong tuần qua có dấu hiệu chỉ là tăng "ảo" nên người dân cần cẩn trọng để tránh bị thiệt hại. Thêm vào đó, sự trồi sụt của giá vàng trong nước thường gắn liền với thị trường quốc tế, mà thị trường quốc tế lại diễn biến vào đêm ở Việt Nam nên người dân phải hết sức cẩn trọng.

 

Sau khi đạt đỉnh vào ngày thứ 5, giá vàng trong nước đã đảo chiều ngoạn mục sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố quyết định về tổ chức và quản lý sản xuất vàng, và cùng với đó là ra thông tư quy định việc cho phép vay và cho vay vốn bằng vàng giữa một số tổ chức tín dụng trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

 

Trong ngày giao dịch tiếp theo, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay ở 1.670,8 USD/oz, cao hơn nhiều so với mức trần biên độ 1.650 USD/oz mà giá duy trì suốt 4 tháng qua.

 

Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại ngược xu hướng và tiếp tục mất đà giảm sâu hơn, từ mốc gần 45 triệu đồng/lượng xuống mốc hơn 43 triệu đồng/lượng. Và kết thúc tuần ở mức 44,25 triệu đồng/lượng.

 

 

Diễn biến giá vàng trong nước cho thấy, rõ ràng giá đã bị “thổi”... từ giới đầu cơ. Và Quyết định 1623/QĐ-NHNN cùng Thông tư 24/TT-NHNN ban hành ngày 23/8 của Ngân hàng Nhà nước được coi là liều thuốc đặc trị sự bất kham của thị trường vàng.

 

Tâm lý thị trường đã được giải tỏa khi những quy định trong Quyết định 1623 của NHNN khá rõ ràng. Trong đó khẳng định, việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thuộc độc quyền Ngân hàng Nhà nước và đó là nền tảng pháp lý quan trọng để nhà điều hành bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết.

 

Bên cạnh đó, những thương hiệu vàng phi SJC lâu nay bị ép giá, kể cả những loại vàng SJC bị cong vênh, móp méo đang bị nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng chê không nhận, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi những loại vàng này sang vàng SJC. Tại khoản 2, điều 6, quyết định ghi rõ: “Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc cho phép chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC”.

 

Cơ chế quản lý, giám sát việc sản xuất vàng miếng của NHNN cũng rất rõ ràng, thể hiện quy trình quản lý minh bạch, chặt chẽ.

 

Song song với động thái nói trên, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 24/2012/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-NNHNN ngày 29/4/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với hai nội dung quan trọng.

 

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: tổ chức tín dụng không được thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

 

Với quy định này, Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh các tổ chức tín dụng không được tiếp tay cho đầu cơ thao túng thị trường vàng.

 

Thứ 2, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay bằng vàng giữa một số tổ chức tín dụng với nhau. Quy định này có hướng mở để đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng khi người dân/tổ chức rút vàng ra để bán ngoài thị trường./.