Hiện nay, lợn thịt, lợn giống đang mất giá thảm hại. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá lợn giống giảm tới 30%; giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh giảm đến 50%.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại chăn nuôi lợn ngoại ở xóm Trạng Đài, xã Tân Kim (Phú Bình) cho hay: Thời điểm này năm ngoái, mỗi con lợn, tôi có thể lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con. Nhưng cách đây gần 1 tuần, tôi xuất chuồng 60 con lợn thịt (thương phẩm), mỗi con bị lỗ từ 500-700 nghìn đồng.
Theo chia sẻ của anh Thành, từ tháng 2, giá 1 bao cám nặng 25kg đã tăng từ 270 lên 275 nghìn đồng. Để sản xuất ra một đàn lợn giống khoảng 10 - 12 con, phải đầu tư hết 4,5 tạ cám nuôi lợn mẹ từ lúc sinh, đến lúc tách sữa. Nuôi đến khi được xuất chuồng, mỗi con lợn phải đầu tư thêm 2 tạ cám nữa. Trong khi đó, giá lợn giống, lợn thương phẩm đều giảm mạnh so với hồi đầu năm. Hiện, giá lợn ngoại giống là 1,3 triệu đồng/con, giảm 500-600 nghìn đồng/con; lợn hơi là 39 đến 40 nghìn đồng/kg, giảm 15-20 nghìn đồng/kg. Nuôi lợn đã 5 năm nay, đây là năm đầu tiên anh Thành bị thua lỗ nặng như vậy. Trang trại của anh đang còn khoảng 200 con lợn thương phẩm và 70 con lợn nái. Với số lợn này, mỗi ngày, gia đình anh phải đầu tư hàng chục triệu đồng tiền mua cám. Anh rất lo lắng, nếu một vài tháng tới, giá lợn tiếp tục giảm, trang trại của gia đình sẽ khó có thể duy trì việc chăn nuôi lợn quy mô lớn như thế này.
Cũng như anh Thành, gia đình anh Nguyễn Văn Thái, xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn (Phú Bình) cũng đang “đứng ngồi, không yên” vì giá lợn xuống thấp từng ngày. Chỉ nuôi lợn thương phẩm theo quy mô gia trại, nhưng lúc nào trong chuồng của gia đình anh Thái cũng có trên 100 con lợn. Không đầu tư chăn nuôi lợn ngoại như gia đình anh Thành nên giá bán lợn hơi của gia đình anh chỉ được 34 đến 35 nghìn đồng/kg. Cách đây hơn 2 tuần, anh xuất chuồng 90 con lợn, mỗi con lỗ 300-500 nghìn đồng. Anh tâm sự: Biết là nuôi lợn đang bị lỗ nhưng gia đình tôi vẫn tiếp tục “cầm cự”, chỉ đầu tư nuôi số lợn bằng một nửa so với trước, chờ giá tăng trở lại (gia đình hiện vẫn đang nuôi 70 con lợn). Ở vùng quê thuần nông này, ngoài 5, 7 sào ruộng, nếu tôi không đầu tư chăn nuôi thì biết trông mong vào đâu để có nguồn thu nhập.
Ông Tô Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết: Thời điểm này, xã có trên 8.000 con lợn. Nếu giá lợn giống, lợn thương phẩm không tăng trở lại, từ nay đến cuối năm, đàn lợn của xã có nguy cơ giảm khoảng 20%.
Không chỉ Kha Sơn mà nhiều địa phương khác trong tỉnh, đàn lợn có thể sẽ giảm đáng kể do người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa bỏ đàn vì không tiêu thụ được hoặc phải bán dưới giá đầu tư dẫn đến thua lỗ. Nếu vấn đề đó không được giải quyết thì cuối năm nhiều khả năng sẽ khan hiếm thực phẩm, giá thịt lợn trên thị trường lại tăng cao.
Theo dự báo của các lái buôn và những người chăn nuôi trong tỉnh, thời gian tới, giá lợn sẽ còn giảm nữa bởi thịt lợn phục vụ cho các quán cơm bình dân khá nhiều, trong khi thời gian này sinh viên và học sinh vẫn đang nghỉ hè, nên sức tiêu thụ chắc chắn bị ảnh hưởng. Hơn nữa, để trục lợi, vừa qua, nhiều tư thương đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, khiến cho không ít hộ chăn nuôi hoang mang…
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Đến đầu tháng 9, giá lợn có thể sẽ nhích lên vì khi các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp bước vào năm học mới, học sinh, sinh viên sẽ quay trở lại tựu trường, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm, trong đó có thịt lợn chắc chắn sẽ tăng trở lại. Theo quy luật, khi nhu cầu tăng thì giá cả sẽ tăng theo…
Mặc dù rất khó khăn song người chăn nuôi nên cố gắng theo đến cùng, bởi đặc thù của sản xuất nông nghiệp là lúc được giá lúc xuống giá. Tuy nhiên, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cùng với việc kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thông tin giá cả thị trường đến người dân cần tạo điều kiện để nông dân thực sự tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp tục kinh doanh trong giai đoạn này, tránh tình trạng khan hàng đẩy giá thực phẩm dịp cuối năm tăng cao, gây bất ổn xã hội.
Nhiều năm nay, chăn nuôi lợn đã trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 270 trang trại theo tiêu chí mới (đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm), trong đó chủ yếu đầu tư chăn nuôi lợn. Đàn lợn của tỉnh luôn duy trì ở 500 đến 600 nghìn con. Các hộ dân chủ yếu chăn nuôi lợn lai hướng nạc, lợn ngoại siêu nạc… |