Muốn vươn lên thì phải dám nghĩ, dám làm

08:03, 09/08/2012

Tuy bị ốm đau do nhiễm chất độc da cam nhưng ông Dương Văn Viên, xóm Chũng Na, xã Bá Xuyên, T.X Sông Công lại là người đi đầu trong nuôi cá để phát triển kinh tế  ở địa phương. 

Tháng 2/1975, ông Dương Văn Viên tròn 17 tuổi, ông hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế ở Cục Quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Mặt trận B2 ở miền đồng Nam bộ. Năm 1981, ông phục viên về quê, mang trong mình bệnh đau đầu, đau người, mẩn ngứa và bị suy giảm 48% sức khoẻ do nhiễm chất độc da cam.

 

Ông tâm sự: Phục viên về quê, hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn chỉ có 3 gian nhà tre vách đất, 6 sào ruộng. Lúc ấy vợ chồng tôi chỉ suy nghĩ làm thế nào để nuôi được 3 con nhỏ và thoát được cảnh nghèo. Bản thân tôi cố gắng vượt qua những cơn đau, ốm để đạt được mục đích ấy. Sau nhiều năm xoay sở với đồng ruộng, chăn nuôi mà nghèo vẫn hoàn nghèo, đến năm 1996, tôi mạnh dạn xin thầu 1 ha mặt nước đầm Chũng Na của xã đang để hoang để nuôi cá. Hai vợ chồng tôi vay mượn được 14 triệu đồng (tương đương với giá trị của 11 con trâu lúc bấy giờ) để đắp đập, xây bờ và mua 3 tạ cá giống để thả nuôi. Ông cho biết: Qua tìm hiểu trong các tài liệu, tôi biết được các loại cá có thể cùng nuôi trong 1 đầm, bên cạnh đó, chúng có thể tận dụng được thức ăn thừa của nhau, từ đó giảm ô nhiễm môi trường nước và người nuôi có thể tiết kiệm được thức ăn chăn cá.

 

Thả cá xuống đầm xong là đến những tháng ngày 2 vợ chồng ông chăm chỉ cắt cỏ, trồng sắn, khoai, chuối mua thêm cá nhỏ để làm thức ăn cho cá. Sắn, khoai, chuối, cá nhỏ thì phải băm, nấu chín, nắm thành từng nắm thả xuống đầm. Qua được năm đầu tiên, gia đình ông đã có thu nhập từ đầm cá, dần dần đến năm 2001 thì đã trả được hết nợ ban đầu. Vừa mới vui mừng được một chút thì cùng năm đó, gia đình ông bị mất khoảng 1,5 tấn cá do trận lụt làm nước tràn qua bờ, đập của đầm. Cá mất hết, gia đình trắng tay, nhưng không làm ông nản chí. Gia đình ông lại tiếp tục vay mượn để xây bờ đầm cao đến 2,5m, làm lại lải tràn bằng lưới sắt kiên cố, để dù có bị lụt thì cá cũng không tràn ra ngoài được.

 

Cứ thế, vượt qua được những khó khăn ban đầu, đầm cá của ông ngày càng phát triển hơn. Từ nuôi cá, gia đình ông Viên đã mua thêm được gần 4 nghìn m2 đất vườn để trồng sắn, khoai, chuối đảm bảo nguồn nông sản làm thức ăn cho cá. Gia đình ông cũng xây dựng được ngôi nhà khang trang thay thế cho ngôi nhà cũ xưa kia. Hiện tại, ông phải thuê thêm 2 nhân công để cắt cỏ, làm thức ăn và chăm sóc cho cá. Năm 2011, gia đình ông thu được 4 tấn cá trắm, trôi, mè, chép với giá bán buôn trung bình là 40 nghìn đồng/kg, như vậy gia đình ông đạt doanh thu là 160 triệu đồng, sau khi trừ hết mọi chi phí gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng.

 

Không chỉ dừng lại ở nuôi cá trong đầm, năm 2010, sau khi tham gia các lớp học nghề chăn nuôi thủy sản tại xã và qua nghiên cứu từ các nguồn thông tin khác, ông Viên mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cá quả thương phẩm trong bể xi măng. Bể có diện tích khoảng 100 m2 được xây kiên cố, có giàn lưới sắt mắt cáo chắc chắn phủ bên trên.

 

Ông Viên hồ hởi giới thiệu: Lưới sắt này rất cần thiết để tránh cá nhảy ra ngoài vì cá quả là loài mạnh, có thể nhảy cao, lưới cũng có tác dụng chống trộm và để tấm che cho cá vào những ngày nắng. Nuôi cá quả trong bể không khó, cần chú ý là nước nuôi cá phải sạch, thức ăn cho cá phải có thêm cá tươi. Theo kinh nghiệm của tôi, cần xử lý, kiểm tra nước trước khi đưa vào bể nuôi và 2 ngày phải thay nước để cá không bị bệnh, thích ăn, bơi lội và phát triển tốt. Bên cạnh đó, khi mua giống phải chọn cá đều nhau, khỏe mạnh, không bị xây xát, đồng thời tuân thủ mật độ nuôi khoảng 100 con/m2.

 

Do nuôi cá trong bể nên rất tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch, khắc phục được tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, vì thế cá ít bị bệnh, phát triển đều và chất lượng cá tốt. Qua 2 vụ nuôi cá quả trong bể xi măng, ông Viên cho biết: Như năm 2011, tôi thả cá từ tháng 2 đến tháng 9 là thu hoạch được 300 kg cá, giá bán là 130 nghìn/kg, tôi thu 39 triệu đồng, trừ các loại chi phí, lãi được 30 triệu đồng.

 

Từ nghèo khó, với sự nỗ lực, gia đình ông Viên đã xây dựng được cơ ngơi khang trang. Đây sẽ là tấm gương để các hộ nghèo khác học tập.