Sát cánh cùng doanh nghiệp

09:42, 08/08/2012

Trong nỗ lực duy trì sản xuất, vượt qua suy thoái, các doanh nghiệp (DN) trong Khu công nghiệp (KCN) Sông Công đang nhận được sự đồng hành, chia sẻ rất đáng kể của tổ chức công đoàn và người lao động…

Nhà máy thép Trường Sơn (chi nhánh Công ty TNHH Minh Bạch) chuyên sản xuất các chi tiết phục vụ ngành chế tạo máy và công nghiệp thủy điện. Cũng giống như đa phần các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm kim loại, Nhà máy đã và đang gặp phải những khó khăn không nhỏ về đầu ra, áp lực từ lượng hàng tồn kho và vấn đề duy trì việc làm, “giữ chân” người lao động (NLĐ). Nói về chiến lược sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Ngoài sản phẩm truyền thống, chúng tôi đang chuyển một phần dây chuyên sang sản xuất theo nhu cầu thị trường để tránh nguy cơ tồn kho cũng như đảm bảo doanh số; chọn đối tác có khả năng thanh toán ngay trong các giao dịch, đồng thời tăng cường thực hiện tiết kiệm, nhất là tiết kiệm điện (chuyển toàn bộ hoạt động đúc vào giờ thấp điểm)… Với chiến lược hợp lý, Nhà máy hiện đang duy trì sản xuất tốt, và hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch doanh số cả năm 2012 là 50 tỷ đồng (bằng năm 2011). Điều đáng ghi nhận là cả giai đoạn khó khăn vừa qua, Nhà máy không hề sa thải hoặc cho công nhân nghỉ việc luân phiên, 70 NLĐ vẫn được đảm bảo việc làm, với thu nhập bình quân xấp xỉ 3 triệu đồng/người/tháng, 100% NLĐ được đóng các loại bảo hiểm.

 

Góp phần vào kết quả chung đó, Công đoàn Nhà máy và từng NLĐ đã “kề vai sát cánh”, đồng hành cùng Ban Giám đốc. Ông Lưu Văn Thuộc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy cho biết: Thời kỳ khó khăn kéo dài không khỏi làm cho một bộ phận NLĐ của Nhà máy bị dao động về tư tưởng, nhận thấy điều này, Công đoàn Nhà máy đã thường xuyên quan tâm, động viên, giải thích cho NLĐ để họ hiểu bản chất những khó khăn của đơn vị trong tình hình chung của nền kinh tế, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực để cùng “vực” Nhà máy qua giai đoạn khó khăn… Anh Đỗ Xuân Vẻ (35 tuổi) là công nhân bộ phận hoàn thiện sản phẩm chia sẻ: Tôi đã gắn bó với Nhà máy liên tục từ năm 2006 đến nay nên thấu hiểu những khó khăn mà đơn vị đang gặp phải, tôi và những đồng nghiệp đều coi những khó khăn của Nhà máy cũng là khó khăn của chính mình, đồng thời nhận thấy mình có trách nhiệm phải cùng với Ban Giám đốc nỗ lực để duy trì và phát triển sản xuất.

 

Một ví dụ điển hình khác trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và các chế độ cho NLĐ là Nhà máy May TNG Sông Công (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG). 6 tháng đầu năm 2012, Nhà máy đã tuyển thêm 532 công nhân, nâng tổng số lao động lên gần 3.500 người. Ngoài chiến lược sản xuất, kinh doanh đang áp dụng hiệu quả, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Công ty chú trọng phát huy nội lực bằng cách tăng cường thực hiện quy chế thi đua khen thưởng, khuyến khích sản xuất, quán triệt thực hành tiết kiệm. Hơn nữa, Công ty luôn quan tâm chăm lo, đảm bảo mọi chế độ cho NLĐ theo phương châm: “Tất cả người lao động làm việc trong Công ty được đảm bảo quyền lợi theo tiêu chuẩn”. Từ đầu năm 2012, Công ty đã tăng tiền ăn ca của công nhân từ 10.000 đồng/suất lên 12.000 đồng; tăng tiền hỗ trợ xăng xe từ 7.000 đồng/người/ngày lên 10.000 đồng…

 

Anh Nguyễn Viết Hanh, quê ở xã Hồng Tiến (Phổ Yên) là công nhân nhà máy May TNG Sông Công cho biết: Khi được đảm bảo quyền lợi chính đáng, chúng tôi coi Nhà máy là “nhà máy của mình”, vì vậy sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, phấn đấu nỗ lực sản xuất vì mục tiêu chung có thể nói, đây là một yếu tố quyết định góp phần cùng Nhà máy và cả Công ty vững vàng trong giai đoạn suy thoái (doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty TNG tăng gần 18% so với cùng kỳ), điều này cũng thể hiện dấu ấn sâu đậm của Công đoàn Công ty trong việc động viên, giáo dục NLĐ…

 

Theo bà Bùi Thị Kim Thành, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh thì trong giai đoạn khó khăn đối với sản xuất công nghiệp, vai trò của công đoàn DN trong việc tham gia quản lý DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như tuyên truyền, vận động NLĐ càng được thể hiện rõ. Công đoàn các KCN đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn tới cán bộ công đoàn cơ sở và NLĐ để họ biết chia sẻ những khó khăn với DN, đồng thời có những tác động, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo pháp luật lao động hiện hành. Nói chung, tổ chức công đoàn tại các DN KCN Sông Công đã làm khá tốt chức năng này, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự gắn bó của NLĐ với DN, sát cánh cùng chủ DN vượt qua thời kỳ suy thoái. Điều này góp phần không nhỏ để các DN trong KCN Sông Công duy trì và phát triển sản xuất (hiện chỉ có 3/26 DN tại KCN Sông Công tuyên bố tạm ngừng sản xuất).