Trong khi cộng đồng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, có đơn vị làm ăn thua lỗ, phải giải thể thì đáng mừng là còn không ít doanh nghiệp vẫn vững vàng chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió…
Trong khi cộng đồng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, phải giải thể thì đáng mừng là còn không ít doanh nghiệp vẫn vững vàng chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Một trong số đó phải kể đến là Công ty TNHH Xây dựng và PTNT Miền núi. Không chỉ duy trì tốt nhịp độ sản xuất hiện có, gần đây, Công ty này còn đầu tư tăng công suất, tuyển thêm nhân công và phát triển đối tác.
Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất hiện nay dám mạnh dạn đầu tư chế biến sâu quặng ti tan trên địa bàn tỉnh, nên những khó khăn, trở ngại mà Công ty gặp phải lúc ban đầu là không nhỏ. Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến xỉ ti tan tại xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù ban đầu khó khăn, song được sự ủng hộ của tỉnh, Doanh nghiệp đã quyết tâm thực hiện bằng được dự án. Thời điểm Nhà máy cho ra sản phẩm đầu tiên cũng là lúc tình hình tài chính thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước gặp khó khăn.
Cũng bởi vậy mà hơn 2 năm vừa qua, doanh nghiệp chỉ đầu tư và vận hành 2/4 lò luyện xỉ, đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Tuy nhiên, sự tác động xấu từ nền kinh tế trong nước, thế giới không thể khiến “tay chèo” của con thuyền doanh nghiệp bị chệch choạc, đổi lại các sản phẩm xỉ ti tan và gang hợp kim của Công ty vẫn xuất bán đều đặn sang thị trường các nước: Anh, Nhật Bản, Trung Quốc. Ở vào thời điểm khó khăn nhất, Nhà máy cũng không phải dừng lò hoặc cho công nhân nghỉ chờ việc.
Xỉ ti tan là một trong những sản phẩm “độc”, nên thị trường luôn khan hiếm và sẵn sàng tiêu thụ khi có hàng. Cũng bởi thế mà doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế của Công ty thời gian qua đạt khá cao, góp phần quan trọng để đơn vị dành thêm suất đầu tư, mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống người lao động. Hiện tại, Nhà máy đang có trên 100 công nhân, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Khi được hỏi về chế độ làm việc cũng như mức hưởng lương của người lao động ở đây, anh Trần Văn Phẩm, công nhân Phân xưởng lò vui vẻ nói: Môi trường làm việc tuy nặng nhọc, theo ca, kíp nghiêm ngặt, nhưng đổi lại, chúng tôi được hưởng đủ các chế độ theo quy định của Nhà nước. Trong khi một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc không lương thì chúng tôi ở đây vẫn có việc làm và thu nhập ổn định...
Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu xuất quặng ti tan thô, và như vậy có nghĩa chúng ta đã bị thất thoát tài nguyên. Khi đưa vào lò tinh chế, từ quặng ti tan, chúng ta sẽ có được ít nhất hai sản phẩm: xỉ ti tan và gang hợp kim. Sau khi có chủ trương cấm xuất quặng thô của Chính phủ, Công ty này đã đầu tư chế biến sâu và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Và khi các mặt hàng khác đang tồn kho, không thể giao dịch thì các sản phẩm của Công ty vẫn cao giá trên thị trường. Như vậy, có thể khẳng định, việc đầu tư của Doanh nghiệp này là đúng hướng, hiệu quả, nếu không muốn nói là thức thời. Theo thiết kế thì Nhà máy luyện xỉ có tổng công suất 20 nghìn tấn xỉ ti tan và 10 nghìn tấn gang hợp kim/năm, nhưng thời gian đầu, Công ty chỉ đầu tư và vận hành 50% công suất.
Tuy nhiên, sản lượng này hiện tại không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Các bạn hàng lớn của Doanh nghiệp đang yêu cầu khối lượng hàng hóa cao hơn. Chính bởi vậy mà gần đây, Doanh nghiệp quyết định đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, khởi động 2 lò luyện còn lại để đạt được công suất theo thiết kế ban đầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty cho biết: Quan điểm của đơn vị là đã đầu tư mới thì công nghệ phải hiện đại hơn trước. Hệ thống điều khiển máy cắt chân không của 2 lò luyện mới là hệ thống điều khiển tự động được cải tiến hơn nhiều so với 2 lò đã vận hành trước đó. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm công sức lao động, giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo công suất vận hành.
Để đáp ứng yêu cầu nâng công suất Nhà máy, Công ty đang tiến hành tuyển thêm 60 lao động lành nghề và đầu tư hơn 20 tỷ đồng trang bị 5 máy xúc, 2 ô tô vận tải lớn và một số phương tiện phục vụ công tác tuyển nguyên liệu. Giám đốc Nhà máy xỉ ti tan Cây Châm, ông Đặng Quang Minh thông tin thêm: “Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ chính thức cho ra các sản phẩm từ 2 lò mới vận hành. Sản lượng hàng hóa tăng sẽ giúp chúng tôi đáp ứng đủ nhu cầu của các bạn hàng lớn. Được biết, Công ty đã được cấp phép và đang khai thác quặng ti tan (nguyên liệu chính cho Nhà máy) tại Mỏ Đông Cây Châm. Trữ lượng Mỏ hiện tại chỉ còn khoảng 60 nghìn tấn quặng thô, đủ cho Nhà máy hoạt động hơn 1 năm nữa. Thời gian qua, Công ty đã xúc tiến làm các thủ tục xin cấp phép khai thác Mỏ ti tan Làng Lân, Hái Hoa, xã Phấn Mễ (Phú Lương) và đã được Chính phủ đồng ý, đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Trữ lượng của Mỏ này là 600 nghìn tấn, có thể đáp ứng nguyên liệu cho Nhà máy vận hành một thời gian dài...